Tiểu sử Huỳnh Thúc Kháng – Người chí sĩ yêu nước với tài năng, đức độ được nhiều người yêu quý

Tiểu sử Huỳnh Thúc Kháng

Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một trong những nhà chí sĩ yêu nước của thời đại mới. Ông rất được chủ tịch Hồ Chí Minh tin dùng, trao trọng trách giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Bộ nội vụ, hay Quyền chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi chủ tịch Hồ Chí Minh vắng mặt.

Tiểu sử Huỳnh Thúc Kháng là ai?

Cụ Huỳnh Thúc Kháng hay còn được biết đến là Hoàng Thúc Kháng, tự là Giới Sanh, hiệu là Minh Viên. Ông sinh ngày 1 tháng 10 năm 1876 tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), tỉnh Quảng Nam. Ông được biết đến là một chí sĩ yêu nước, hoạt động cách mạng dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông được giao trọng trách giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ nội vụ (1946 – 1947) và Quyền chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (từ 31 tháng 5 đến 21 tháng 10 năm 1946).

Huỳnh Thúc Kháng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông nghèo nhưng tràn đầy tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc. Cha của ông là Huỳnh Văn Phương, tự là Tấn Hữu, tuy vốn xuất thân nhà nông nhưng cũng đã từng học qua Nho học, nhiều lần thi cử nhưng không đỗ. Mẹ của ông là bà Nguyễn Thị Tình, người làng Hội An nhưng cư ngụ làng Phú Thị (nay thuộc xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước), mẹ của ông còn có người em ruột mà ông gọi bằng cậu đó là Phó bảng Nguyễn Đình Tựu.

Tiểu sử Huỳnh Thúc Kháng

Thời thơ ấu, Huỳnh Thúc Kháng còn có tên gọi khác là Huỳnh Văn Thước. Cả gia đình ông có 4 anh chị em, trong đó ông là người con út. Nhưng vì 2 người anh trai của ông không may mất sớm, chị gái cả là bà Huỳnh Thị Duật sinh năm 1873 thì đi lấy chồng tại Hương Lâm, Tứ Chánh nay thuộc xã Tiên Hiệp – huyện Tiên Phước – tỉnh Quảng Nam. Cho nên ông là người con trai duy nhất trong nhà, chịu kỳ vọng của cha mẹ mà ngay từ nhỏ ông đã được rèn dạy để có thể tiến thân trên con đường học vấn, khoa cử.

Năm lên 8 tuổi, Huỳnh Thúc Kháng được dạy chữ Nho dưới sự dạy dỗ của người cậu ruột là Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Đình Tựu. Năm 13 tuổi ông đã nổi tiếng trong làng với văn hay chữ tốt. Năm 1900, ông thi đậu Giải nguyên kỳ thi Hương năm Canh Tý, được xưng tụng là một trong Thập Ngũ Phụng Tề Phi của đất Quảng Nam xưa. Năm 1904, ông thi đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân.

Sự nghiệp chính trị của chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng

Sau khi thi đỗ và đạt học vị cao, ông không ở lại làm quan trong triều Nguyễn mà cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp lãnh đạo phong trào Duy Tân để kháng chiến chống Pháp. Vì lý do đó đã khiến ông bị bắt vào năm 1908, rồi bị đày ở Côn Đảo trong suốt 11 năm, đến mãi năm 1919 mới được trả tự do.

Tiểu sử Huỳnh Thúc Kháng

Năm 1926, Huỳnh Thúc Kháng quay trở lại mặt trận chính trị, ông đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Trong ba năm hoạt động ở Viện, ông cương quyết tranh đấu trong nghị trường. Khi ông không bằng lòng và chống lại Khâm sứ Pháp, ông đã từ chức Viện trưởng. Đến năm 1927, ông sáng lập nên tờ báo Tiếng Dân, được xuất bản tại Huế, và bị chính quyền thời bấy giờ đình bản vào năm 1943.

Khi cách mạng tháng 8 năm 1945 diễn ra thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đến năm 1946, khi chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp để đàm phán hòa bình cho Việt Nam, Huỳnh Thúc Kháng đã được cử làm Quyền Chủ tịch nước Việt Nam. Thời gian này ông còn là Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam. Đến cuối năm 1946, ông là Đặc phái viên của Chính phủ vào cơ quan Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ tại Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Huỳnh Thúc Kháng qua đời, được người đời kính trọng và tưởng nhớ

Ngày 21 tháng 4 năm 1947, Huỳnh Thúc Kháng bị lâm bệnh nặng và không chữa khỏi được, mất tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Nhân dân đã làm theo tâm nguyện cuối cùng của ông, an táng ông trên đỉnh núi Thiên Ấn. Nơi đây được mệnh danh là đệ nhất thắng cảnh của tỉnh Quảng Ngãi. Nhà lưu niệm của cụ Huỳnh Thúc Kháng được xây dựng tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam hiện vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật có giá trị, đang được một người cháu nuôi trong dòng tộc chịu trách nhiệm bảo quản.

Để tưởng nhớ đến công lao của Huỳnh Thúc Kháng, tại nhiều tỉnh và thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Đồng Nai,… hiện đang có những con đường và những ngôi trường THCS, THPT mang tên ông. Đặc biệt, vào ngày 19 tháng 2 năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng Huân chương Sao Vàng để ghi nhận công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Tiểu sử Huỳnh Thúc Kháng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *