Tiểu sử Trần Hưng Đạo

Tiểu sử Trần Hưng Đạo – Vị anh hùng dân tộc có công lớn trong việc 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là một vị tướng tài ba trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ông không chỉ có công lao xây dựng đất nước, phò tá vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông đẩy lùi những cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông với nước ta.

Tiểu sử Trần Hưng Đạo là ai?

Trần Hưng Đạo hay Hưng Đạo Đại Vương có thế danh là Trần Quốc Tuấn. Ông sinh năm 1231 (theo Wikipedia), là con của thân vương An Sinh Vương Trần Liễu và là cháu nội của Trần Thái Tổ, đồng thời còn là bác của vua Trần Nhân Tông. Ông được biết đến là một nhà quân sự lỗi lạc, một vị tướng tài ba có công lao vô cùng to lớn trong công cuộc chống lại sự xâm lược của quân Nguyên Mông tới 3 lần. Ông được người đời suy tôn là Đức Thánh Trần, được tôn thờ mãi mãi.

Trần Quốc Tuấn vốn là con trai thứ 3 của Khâm Minh đại vương Trần Liễu – anh cả của Trần Thái Tông Trần Cảnh, vậy nên Trần Quốc Tuấn phải gọi vua Trần Thái Tông bằng chú ruột. Hiện nay vẫn không rõ mẹ của ông là ai, có một số giả thiết cho rằng mẹ của ông là Thiện Đạo quốc mẫu, húy là Nguyệt, một người trong tôn thất họ Trần.

Tiểu sử Trần Hưng Đạo

Trần Quốc Tuấn sinh ra ở thôn Tức Mặc, thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định ngày nay). Tuy nhiên năm sinh của ông cho đến nay vẫn không được ghi chép rõ ràng. Có tài liệu cho rằng ông sinh vào năm 1228, trong khi số khác lại cho rằng ông sinh vào năm 1230, hay thậm chí là vào năm 1231, vì vậy chung quy lại chưa thể rõ ràng về năm sinh chính xác của ông. Tuy nhiên dù sao đi chăng nữa thì các tài liệu lịch sử đều khẳng định ông sinh ra không lâu sau khi vương triều nhà Trần được thành lập vào năm 1225.

Trần Quốc Tuấn khi còn thiếu thời là người có gương mặt khôi ngô, tuấn tú. Ông sớm thông minh hơn người, hiểu được nhiều sách vở, đọc sâu biết rộng, tinh thông văn võ.

Năm 1237, vua Trần Thái Tông lên ngôi và kết hôn đã lâu nhưng lại chưa có con trai nối dõi. Vậy nên thái sư Trần Thủ Độ khi đó đang nắm thực quyền phụ chính đã ép cha ông là Trần Liễu phải nhường vợ là Thuận Thiên công chúa (chị của vua Lý Chiêu Hoàng) cho vua Trần Thái Tông, vì bà đang mang thai với Trần Liễu được ba tháng, đồng thời giáng Lý hoàng hậu xuống làm công chúa.

Tức giận, Trần Liễu họp quân chống lại nhưng thế quân không mạnh nên không thể làm gì được, buộc phải xin đầu hàng. Vua Trần Thái Tông vì thương anh nên đã xin với Trần Thủ Độ tha tội cho Trần Liễu, nhưng quân lính dưới trướng đều bị giết sạch. Mang nỗi nhục, Trần Liễu quyết tìm người tài nghệ để dạy văn, võ cho con trai Trần Quốc Tuấn.

Khi lên 19 tuổi, Trần Quốc Tuấn lại đem lòng yêu công chúa Thiên Thành. Đầu năm 1251, vua Trần Thái Tông lại muốn gả công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương, nên đã cho công chúa đến ở trong dinh Nhân Đạo Vương (cha của Trung Thành Vương). Nhân ngày rằm tháng giêng, vua Trần Thái Tông mở hội lớn, ý muốn cho công chúa Thiên Thành làm lễ kết tóc với Trung Thành Vương. Bản thân Trần Quốc Tuấn tuy rằng muốn lấy công chúa, nhưng không làm thế nào trái lệnh vua được, mới nhân ban đêm lẻn vào khuê phòng của công chúa rồi có quan hệ bất chính với nàng.

Mẹ nuôi của Trần Quốc Tuấn là Thụy Bà công chúa biết chuyện, sợ ông bị người của Trung Thành Vương giết hại trong phủ, liền chạy đến cung điện để xin vua Trần Thái Tông cứu Quốc Tuấn. Vua Trần Thái Tông vội sai người đến dinh của Nhân Đạo vương, vào chỗ Thiên Thành công chúa, thì thấy Trần Quốc Tuấn đã ở đấy rồi. Hôm sau, Thụy Bà công chúa dâng 10 mâm vàng đến chỗ vua Trần Thái Tông xin lễ cưới Thiên Thành công chúa cho Trần Quốc Tuấn. Vua Trần Thái Tông bất đắc dĩ đành phải gả công chúa cho ông và lấy 2000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên để bồi hoàn sính lễ cưới trước đó cho Trung Thành Vương.

Tháng 4 năm 1251, Trần Liễu ốm nặng. Lúc sắp mất, ông cầm tay Trần Quốc Tuấn, trăn trối rằng: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không yên lòng được”. Trần Quốc Tuấn một mặt ghi để trong lòng, thế nhưng không cho rằng điều đó là điều nên làm.

Trần Hưng Đạo 3 lần lãnh đạo quân dân chống lại quân Nguyên Mông xâm lược

1. Cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất

Tháng 9 năm 1257 âm lịch, quân Nguyên kéo đến xâm lược nước ta lần thứ nhất. Trần Quốc Tuấn được giao nhiệm vụ trấn thủ biên giới phía Bắc để ngăn chặn quân giặc tiến tới sâu hơn vào nước ta. Tuy nhiên theo nhiều tài liệu sử sách có ghi chép, thì vai trò chống lại quân Nguyên xâm lược của ông vẫn chưa được rõ ràng, chỉ biết rằng ông có tham gia và góp công giúp chống lại quân Nguyên thành công, buộc chúng phải rút về nước.

Tiểu sử Trần Hưng Đạo

2. Cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ hai

Năm 1279, quân Nguyên Mông đã tiêu diệt hoàn toàn nhà Nam Tống, lập ra nhà Nguyên, trở thành mối đe dọa tiềm tàng cho nước Đại Việt ta. Triều đình nhà Trần đã đề phòng từ trước, lên kế hoạch kỹ càng để chuẩn bị kháng cự. Vua Trần Thánh Tông sai Trần Quốc Tuấn mở trường dạy võ nhằm đào tạo con em hoàng tộc và những người tài giỏi trong nước. Ông thường đi khắp các tỉnh thành, kiểm soát các võ đường địa phương, thu nhận nhiều nhân tài hào kiệt như Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão,… dưới trướng.

Đầu năm 1277, quân Nguyên cử sứ giả là Trần Di Ái tới nước ta thăm dò, vua Trần Thánh Tông khi này lại đang thân chinh thảo phạt các bộ tộc thiểu số ở động Nẫm Bà La (nay thuộc Quảng Bình), tể tướng Trần Quang Khải cũng đi theo để hộ giá. Ghế tể tướng khi đó bỏ không, Thượng hoàng Trần Thái Tông gọi Trần Quốc Tuấn tới, tỏ ý định lấy ông làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc. Trần Quốc Tuấn sợ bất hòa với Trần Quang Khải nên chỉ đồng ý tiếp sứ mà không dám nhận chức vụ. 

Đến đầu năm 1281, hoàng đế nhà Nguyên khi đó là Hốt Tất Liệt đã sai tướng Sài Thung đem hơn ngàn quân để hộ tống nhóm của Trần Di Ái về nước. Sài Thung khi đến nước ta vô cùng ngạo mạn và vô lễ, tể tướng Trần Quang Khải ra tiếp mà hắn còn không thèm chào đón, vào trong phòng nằm ngủ. Chỉ đến khi Trần Quốc Tuấn cạo trọc đầu đóng giả nhà sư phương Bắc, Sài Thung tưởng nhầm mới chịu ra tiếp, thậm chí còn tiễn ông ra về.

Năm 1282, nhà Nguyên sai tướng Toa Đô mang quân vượt biển để đánh Chiêm Thành ở phía nam Đại Việt ta. Tháng 10 âm lịch năm 1283, để chuẩn bị cho kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai, Trần Quốc Tuấn đã được thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo để thống lĩnh đại quân. Ông đã chọn các tướng lĩnh tài giỏi, cho chia nhau chỉ huy các đơn vị quân đội để chống địch. Đến tháng 8 âm lịch năm 1284, ông cho duyệt quân ở bến Đông Bộ Đầu (gần dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay), đọc bài “Hịch tướng sĩ” vô cùng nổi tiếng, rồi chia quân đóng giữ ở Bình Than và các nơi hiểm yếu khác.

Tháng 7 âm lịch năm 1284, nhà Nguyên sai Vân Nam Vương Thoát Hoan, A Lý Hải Nha tập trung 50 vạn quân ở Hồ Quảng, dự đinh sang năm xâm lược Đại Việt. Tháng 11 âm lịch năm 1284, vua Trần Nhân Tông sai Trần Phủ đi sứ sang tỉnh Hồ Quảng xin hoãn binh. Khi trở về, Trần Phủ báo tin Hốt Tất Liệt lấy danh nghĩa mượn đường đánh Chiêm Thành, mang đại quân tiến vào nước ta. Đầu năm 1285, quân Nguyên ồ ạt hợp công từ 2 phía, Thoát Hoan vượt biên giới phía bắc của Đại Việt, còn Toa Đô đánh từ dưới phía Nam tiến lên phía bắc, uy hiếp vùng Thanh Hóa – Nghệ An. Trần Hưng Đạo khi này dốc quân đánh chặn ở biên giới nhưng thất bại, cho rút quân lui về Vạn Kiếp phòng thủ.

Thủy quân Nguyên do tướng Ô Mã Nhi chỉ huy tấn công vào Vạn Kiếp, quân Nguyên vây quân của Trần Quốc Tuấn đến nguy cấp. Một trận thủy chiến lớn long trời lở đất giữa 2 bên đã diễn ra. Vua Trần Nhân Tông đã đem quân đến trợ chiến cho Trần Hưng Đạo. Tướng Ô Mã Nhi đã không ngăn nổi quân Đại Việt nên đành phải rút lui. Toàn bộ quân Đại Việt vì thế mà an toàn rút khỏi Vạn Kiếp, Phả Lại, Bình Than để về dàn trận bên bờ sông Hồng nằm gần thành Thăng Long. Quân Nguyên tiến theo đường bộ tiến về Thăng Long, Trần Hưng Đạo để bảo toàn lực lượng đã cho thực hiện kế vườn không nhà trống đối với toàn bộ người dân và quân lính, rút ra khỏi thành để cho địch chiếm đóng.

Đến tháng 5 năm 1285, lợi dụng quân địch quân lương cạn kiệt, tinh thần rệu rã, Trần Hưng Đạo ra lệnh tổng phản công. Chỉ sau một tháng chiến đấu quyết liệt với quân Nguyên, các cánh quân Đại Việt do Trần Hưng Đạo cùng Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật chỉ huy đã  giành thắng lợi to lớn ở Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp,… Nhờ đó giúp quân dân nhà Trần lấy lại thành Thăng Long, buộc quân địch phải tháo chạy về nước. Toa Đô bị giết trên đường tháo chạy, còn Thoát Hoan phải nhục nhã chui vào ống cống để không bị tên bắn chết trên đường rút về nước.

3. Cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ ba

Tháng 3 năm 1286 âm lịch, hoàng đế nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt sai Thượng thư tỉnh Áo Lỗ Xích, Bình chương sự Ô Mã Nhi huy động tới 50 vạn quân, rồi sai hành tỉnh Hồ Quảng đóng 300 thuyền chiến, định đến tháng 8 âm lịch hội quân ở Khâm Châu, Liêm Châu. Hốt Tất Liệt còn sai quân ba hành tỉnh Giang Chiết, Hồ Quảng, Giang Tây chuẩn bị quân để đánh Đại Việt, mượn danh nghĩa đưa phản thần nhà Trần là Trần Ích Tắc về để làm An Nam Quốc vương. Tháng 6 âm lịch, vua Trần Nhân Tông xuống chiếu cho vương hầu, tôn thất chiêu mộ binh sĩ.

Vua Trần Nhân Tông đã cử Trần Hưng Đạo thống lĩnh vương hầu luyện tập binh sĩ, sửa sang khí giới, đóng thuyền chiến. Đến tháng 2 âm lịch năm 1287, nhà Nguyên điều động quân Mông Cổ, quân Hán Nam, quân của 3 hành tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng, quân Vân Nam, quân người Lê ở 4 châu ngoài biển, chia làm nhiều cánh để cùng lúc tràn vào Đại Việt ta. Vạn hộ Trương Văn Hổ dẫn quân thủy chở 70 vạn thạch lương đi theo sau. Hốt Tất Liệt còn lập Chinh Giao Chỉ hành thượng thư tỉnh do Bình chương sự Áo Lỗ Xích, các Tham tri chính sự Ô Mã Nhi, tướng Phàn Tiếp làm người đứng đầu. Trước thế địch mạnh như hổ, các bá quan văn võ Đại Việt xin bắt trai tráng để sung quân nhằm giúp quân đội đông hơn, nhưng Trần Hưng Đạo không đồng ý.

Tiểu sử Trần Hưng Đạo

Ngày 14 tháng 11 năm 1287 âm lịch, Trịnh Xiển báo tin cánh quân Vân Nam của Nguyên tiến đánh ải Phú Lương. Trần Nhân Tông hỏi Trần Hưng Đạo: “Năm nay đánh giặc thế nào?”. Ông vẫn quả quyết rằng: “Năm nay đánh giặc nhàn”. Lần này khi biết được nhà Trần đã phòng bị ở Thanh Hóa – Nghệ An, Thoát Hoan đem quân tiến thẳng vào từ phía bắc đánh thành Thăng Long. Khác với lần trước, Trần Hưng Đạo không bỏ kinh đô mà tổ chức phòng thủ ngay tại Thăng Long. 

Tháng 2 năm 1288 âm lịch, quân Nguyên công thành Thăng Long, quân Đại Việt nấp trong thành bắn tên ra. Trần Hưng Đạo sai Trần Cao vài lần đến trại Thoát Hoan xin giảng hoà, nhưng ban đêm thường kéo ra từng toán lính nhỏ đánh lén vào trại quân Nguyên, đốt phá lương thực rồi rút lui. Thoát Hoan điều quân ra ngoài truy kích, nhưng quân ta thường ẩn nấp rất khó phát hiện ra. Quân Nguyên bao vây tấn công vài lần không có kết quả, cuối cùng buộc phải rút lui.

Cùng lúc đó, đoàn thuyền lương của tướng Trương Văn Hổ bị Trần Khánh Dư chặn đánh và tiêu diệt hoàn toàn ở Vân Đồn. Thoát Hoan rút chạy khỏi thành Thăng Long về hành dinh ở Vạn Kiếp. Do bị thiếu lương thực và bệnh dịch hoành hành, Thoát Hoan buộc phải rút lui, một ngả của thủy quân do Ô Mã Nhi và tướng Phàn Tiếp chỉ huy, một ngả của bộ binh do Thoát Hoan chỉ huy. Trần Hưng Đạo bố trí lực lượng mai phục ở cửa sông Bạch Đằng, trực tiếp tiêu diệt toàn bộ binh thuyền của Ô Mã Nhi vào tháng Tư năm 1288 âm lịch, bắt sống Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp và Tích Lệ Cơ. Thoát Hoan dẫn quân bộ tháo chạy theo đường Lạng Sơn, dọc đường bị quân ta đánh chặn khiến quân địch mười phần, thì tổn hại mất 7, 8 phần.

Năm tháng cuối đời của Trần Hưng Đạo

Do đã có những công lao to lớn trên con đường vệ quốc, gìn giữ độc lập, Vua Trần Nhân Tông đã trao cho Trần Hưng Đạo vị trí tối cao toàn quyền chỉ huy quân đội Đại Việt, đồng thời đặc cách cho ông quyền phong tước hiệu cho bất kỳ ai mà ông muốn. Nhưng trong suốt cuộc đời, ông đã không hề sử dụng đặc quyền này. 

Sau khi kết thúc chiến tranh hoàn toàn với nhà Nguyên, Trần Hưng Đạo được phong tước Đại Vương. Ông lui về ở ẩn tại Vạn Kiếp, nhân dân trong vùng vô cùng kính trọng ông, lập đền thờ sống ông tại địa phương. Đến tháng 6 năm 1300 âm lịch, ông lâm bệnh nặng, chữa trị mãi không khỏi. Vào tháng 8 năm 1300 âm lịch, Trần Hưng Đạo qua đời. Triều đình Đại Việt phong tặng ông là “Thái sư Thượng Phụ Thượng Quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương”.

Tiểu sử Trần Hưng Đạo

Ông còn được nhân dân cả nước tôn vinh là “Đức Thánh Trần” và lập đền thờ ở nhiều nơi, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến đó là khu di tích Đền Kiếp Bạc nơi thờ phụng ông thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Nơi đây hàng năm đón hàng vạn du khách tới để lễ lạt, cầu may.

 

Viết một bình luận