Tiểu sử Hai Bà Trưng – Những nữ tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam

tiểu sử hai bà trưng

Hai Bà Trưng là một trong những vị nữ tướng hào hùng của dân tộc Việt Nam. Hai bà đã có rất nhiều công lao to lớn trong việc chống lại quân xâm lược, giành độc lập cho dân tộc.

Tiểu sử Hai Bà Trưng là ai?

Hai Bà Trưng là tên gọi dùng để chỉ hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị, họ đều là những nữ hào kiệt, anh hùng dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử, Hai Bà Trưng được biết tới rộng rãi do đã đứng lên khởi nghĩa để lật đổ sự thống trị của chính quyền đô hộ Đông Hán, Trung Quốc. Thời đại của hai bà nằm giữa giai đoạn Bắc thuộc lần thứ 1 và lần thứ 2 trong lịch sử Việt Nam.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Hai Bà Trưng vốn mang họ Lạc, là dòng dõi Lạc tướng ở huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc. Trong đó, Trưng Trắc là vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên, đồng thời Thi Sách cũng là con Lạc tướng, con hai nhà tướng kết hôn với nhau. Cho đến khi lên ngôi, Hai bà mới đổi sang họ Trưng mà chúng ta biết đến hiện nay.

tiểu sử hai bà trưng

Một số truyền thuyết khác cũng xác nhận rằng quê nội của Hai Bà Trưng nằm ở làng Hạ Lôi và quê ngoại của hai bà nằm ở làng Nam Nguyễn thuộc Ba Vì, Hà Nội. Mẹ của Hai Bà Trưng tên là Man Thiện, được nhiều sách vở ghi tên là Trần Thị Đoan. Tuy nhiên, theo các sử gia hiện đại, thời kỳ đầu công nguyên, người Việt vốn chưa có họ. Do đó mà cái tên Trần Thị Đoan chỉ là tên thần phả được đặt sau này, khoảng thế kỷ XVII, XVIII mà thôi. Còn tên gọi Man Thiện có nghĩa là người Man tốt, có thể đây là tên do người Hán đặt. 

Còn đối với tên của Hai Bà Trưng, vốn có nguồn gốc từ nghề dệt lụa truyền thống của Việt Nam, tương tự như cách đặt tên theo các loài cá của các vua nhà Trần sau này vốn xuất thân từ nghề chài lưới. Xưa kia các gia đình nuôi tằm, tổ kén tốt gọi là kén chắc, tổ kén mà kém hơn gọi là kén nhì. Đồng thời trứng ngài tốt gọi là trứng chắc, trứng ngài mà kém hơn gọi là trứng nhì. Vậy nên, theo nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, tên của Hai Bà Trưng vốn rất giản dị, được đặt là Trứng Chắc và Trứng Nhì, tuy nhiên nếu phiên âm theo tiếng Hán thì lại được gọi là Trưng Trắc và Trưng Nhị mà chúng ta biết đến ngày nay.

Những cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng

Theo như một số nhà sử học cho biết, do chính sách đồng hóa gắt gao và bóc lột hà khắc của nhà Đông Hán, Trung Quốc đối với người Việt tại Giao Chỉ đương thời. Vậy nên các Lạc tướng người Việt đã liên kết với nhau để cùng chống lại nhà Hán. Trưng Trắc kết hôn với con trai Lạc tướng ở Chu Diên là Thi Sách, hai nhà cùng có chí hướng chống lại nhà Hán. Khoảng năm 39-40 SCN, nhằm trấn áp lại các cuộc nổi dậy có thể xảy ra trong tương lai của các Lạc tướng, Thái thú Tô Định đã bày mưu giết chết Thi Sách.

Căm giận quân giặc bạo ngược hung tàn, vì nợ nước nay lại thêm mối thù nhà, bà Trưng Trắc đã cùng với em gái là Trưng Nhị đã phát động trong toàn quận Giao Chỉ, tập hợp các Lạc hầu, Lạc tướng, kêu gọi quân sĩ và nhân dân nổi lên cùng đánh giặc. Các quận Cửu Chân, Nhật Nam được tin quận Giao Chỉ khởi nghĩa đều nổi lên hưởng ứng nhiệt liệt.

Hai Bà Trưng tiến hành tổ chức tích trữ lương thực, vận động các anh hùng hào kiệt trong khắp thiên hạ, những người cùng chí hướng, chiêu binh tuyển tướng ở các địa phương, nên người theo về ngày một đông. Đến tháng 3 năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa ở huyện Mê Linh. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng có thể được chia tiếp thành 2 giai đoạn sau đây:

Giai đoạn 1 vào năm 40 SCN, nghĩa quân do Hai Bà Trưng tập hợp đã nhanh chóng đánh bại được quân nhà Hán, làm chủ toàn huyện Mê Linh, rồi thẳng tiến một mạch về Cổ Loa và Lụy Châu. Quan thái thú Tô Định sợ hãi mà bỏ thành, chạy trốn về tận Nam Hải. Quân Hán ở các quận huyện khác cũng gặp thất bại tương tự. Vì thế có thể coi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 đến đây đã giành được thắng lợi trọn vẹn.

tiểu sử hai bà trưng

Giai đoạn 2 vào năm 42 SCN, nhà Hán tăng cường thêm quân chi viện, Mã Viện là người chỉ đạo cánh quân xâm lược gồm có: 2 vạn quân tinh nhuệ, 2 nghìn xe thuyền và nhiều dân phu. Quân Hán tấn công quân của Hai Bà Trưng ở Hợp Phố, nhân dân ở Hợp Phố đã anh dũng chống trả nhưng vẫn gặp thất bại trước sự đông đảo và hung tợn của quân Hán.

Sau khi chiếm được Hợp Phố, Mã Viện đã chia quân thành 2 đạo thủy bộ tiến đánh Lục Đầu và gặp nhau tại Lãng Bạc: Trong đó đạo quân bộ đi men theo đường biển, lẻn qua Quỷ Môn Quan để xuống Lục Đầu. Còn đạo quân thủy đi từ Hải Môn vượt biển tiến thẳng vào sông Bạch Đằng, sau đó đi từ Thái Bình đi lên Lục Đầu để đánh chặn.

Sau khi nhận được tin tức, Hai Bà Trưng liền kéo quân từ Mê Linh về nghênh chiến với quân địch tại Lãng Bạc. Quân ta giữ vững được Cổ Loa và Mê Linh, thế nhưng Mã Viện tiếp tục đuổi theo buộc quân ta phải lùi về tận Cẩm Khê (nay thuộc Ba Vì – Hà Nội).

Hai Bà Trưng thất bại trong việc chống quân xâm lược

Năm Quý Mão (năm 43 SCN), Hai Bà Trưng chống cự lại với quân nhà Hán ở Cẩm Khê. Tuy nhiên do thất thế, sức cùng lực kiệt mà hai bà đều đã tử trận. Theo truyền thuyết kể lại rằng, hai bà vì không muốn lọt vào tay địch nên đã nhảy xuống sông Hát (thuộc huyện Hát Môn, Hà Tây cũ) tự vẫn để bảo toàn khí tiết. Còn theo sách Hậu Hán thư – sách sử của Trung Quốc kể rằng, hai bà đã bị quân Mã Viện bắt được và chặt đầu đem về Lạc Dương.

tiểu sử hai bà trưng

Tướng Đô Dương dưới trướng của Hai Bà Trưng tiếp tục cầm quân chống lại quân Hán cho đến tận cuối năm 43. Mã Viện đuổi theo đánh đuổi lượng quân còn sót lại tại huyện Cư Phong, cuối cùng lực lượng này cũng bị tiêu diệt hoàn toàn. Ngoài các cừ súy bị giết, hơn 300 cừ súy người Việt đã bị bắt và đày sang Linh Lăng (Hồ Nam) để làm khổ sai. Mã Viện thu gom, phá hủy nhiều trống đồng và đúc rồi dựng cột đồng làm giới hạn biên giới của nhà Hán, và khắc lên đó dòng chữ thề: “Cột đồng gãy thì Giao Chỉ diệt”.

Từ đây, nước Việt lại thuộc quyền kiểm soát của nhà Hán, bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 2. Vậy nên thời kỳ Hai Bà Trưng đứng lên khởi nghĩa giành được chính quyền chỉ kéo dài được hơn ba năm. Sau khi Hai Bà Trưng thất bại, chế độ chính quyền khi đó đã giao quyền cai quản cấp huyện ở Bộ Giao Chỉ cho các Lạc tướng không còn, quyền lực của các Lạc tướng, Lạc hầu bị thủ tiêu. Theo như cách gọi khác của các nhà sử gia thì chế độ bảo hộ chấm dứt, bắt đầu chế độ cai trị trực tiếp. Nhà Hán đặt quan lại cai trị đến cấp huyện.

Di sản mà Hai Bà Trưng để lại cho hậu thế

Mặc dù thất bại trong việc đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ bờ cõi đất nước. Thế nhưng những di sản mà Hai Bà Trưng để lại cho hậu thế vẫn sẽ còn mãi. Hiện nay, trên cả nước Việt Nam ta đang có đến 103 nơi thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh ở khắp 9 tỉnh và thành phố, trong đó riêng huyện Mê Linh có 25 di tích ở 13 xã.

Hai Bà Trưng được coi là anh hùng dân tộc vĩ đại của Việt Nam, và được thờ cúng tại nhiều đền thờ, trong đó lớn nhất là Đền Hát Môn nằm tại Xã Hát Môn, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội và Đền Hai Bà Trưng ở phố Hương Viên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngoài ra còn có đền Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc nay là Mê Linh, Hà Nội – quê hương gốc của hai bà.

tiểu sử hai bà trưng

Bên cạnh đó, tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) hiện nay vẫn còn miếu thờ Trưng Vương do những cừ súy Việt Nam khi bị bắt về đất Hán sau khi khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại đã lập ra để tưởng nhớ về quê hương và cũng là thể hiện tinh thần bất khuất của người Việt nói chung, không cam chịu sự bóc lột, áp bức.

Ngoài ra hình tượng của Hai Bà Trưng còn xuất hiện rộng rãi trong văn hóa đại chúng. Nhiều tác phẩm, sách, kịch, nhạc,… đều đã được viết hoặc dựa vào hai bà để làm nhân vật chính. Trong đó vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” kể về cuộc khởi nghĩa của hai bà là một trong những vở cải lương kinh điển tại Việt Nam.

Hai Bà Trưng và hàng chục, hàng trăm nữ tướng khác cùng với đội ngũ đông đảo phụ nữ Việt Nam tham gia phong trào chống nhà Hán đã góp phần tạo nên truyền thống anh hùng bất khuất cho cả dân tộc. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử mà người dân Việt Nam đã dám đứng lên vì nền độc lập dân tộc, đòi lại các quyền mà trước đây bị quân xâm lược áp bức, đô hộ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *