Tiểu sử Lý Thái Tổ – Người khai sinh ra nhà Lý và xây dựng kinh thành Thăng Long

Tiểu sử Lý Thái Tổ

Lý Thái Tổ là một trong những vị vua sáng lập nên triều đại nhà Lý. Ông còn có công lớn trong việc xây dựng nên kinh thành Thăng Long, đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi của Đại Việt.

Tiểu sử Lý Thái Tổ là ai?

Vua Lý Thái Tổ có tên húy là Lý Công Uẩn, ông sinh ngày mùng 8 tháng 3 năm 974 tại Cổ Pháp, Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay. Ông được biết đến là vị vua sáng lập nên triều đại nhà Lý, có công dời kinh đô từ Hoa Lư về kinh thành Thăng Long, đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi cho đất nước. Nhờ có sự anh minh trong việc bình ổn chính trị, ngoại giao và dẹp bỏ các cuộc nội chiến trong nước đã giúp nhà Lý trường tồn đến 216 năm.

Tiểu sử Lý Thái Tổ

Lý Công Uẩn có mẹ là bà Phạm Thị Ngà, nhưng cha thì lại không rõ danh tính. Người cha không rõ danh tính của ông sau này đã được truy tôn tước hiệu Hiển Khánh Vương khi ông lên ngôi vua vào năm 1009. Ngoài ra, Lý Công Uẩn còn có một người anh trai (Vũ Uy Vương) và một người em trai (Dực Thánh Vương). 

Thuở nhỏ, Lý Công Uẩn sống cùng với mẹ và anh trai. Đến năm 3 tuổi ông được nhà sư Lý Khánh Vân ở chùa Cổ Pháp tình cờ để ý và nhận làm con nuôi, do nhà sư thấy được đứa trẻ này rất có tư chất, tinh anh khác thường, nhất định sau này sẽ làm được việc lớn. Sau này ông được sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ quý mến mà hết lòng dạy dỗ, truyền thụ kiến thức, giúp ông học hành chăm chỉ, dùi mài kinh sử.

Quá trình lên ngôi hoàng đế của vua Lý Thái Tổ

Sau này khi trưởng thành, Lý Công Uẩn được sư Vạn Hạnh tiến cử vào triều đình, phục vụ dưới triều đại của vua Lê Đại Hành, về sau là vua Lê Long Đĩnh. Năm 1005, vua Lê Đại Hành không may băng hà, các hoàng tử vì thế mà tranh đoạt ngôi vị. Đến năm 1006, Lê Long Việt giành được ngôi vua, tức vua Lê Trung Tông, nhưng chỉ 3 ngày sau thì bị Lê Long Đĩnh giết để giành ngôi. Các quan trong triều sợ hãi bỏ chạy, chỉ có Lý Công Uẩn ôm xác vua mà khóc. Lê Long Đĩnh không những không trị tội mà còn khen ông là người trung nghĩa, tiếp tục trọng dụng, cho làm Tứ sương quân Phó Chỉ huy sứ, rồi sau này cho thăng đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ.

Vào năm 1009, vua Lê Long Đĩnh mắc bệnh nặng rồi qua đời. Thái tử khi này còn quá nhỏ tuổi không đủ sức đảm đương việc triều chính. Trong khi đó những người em khác của vua lại tranh giành ngôi vị. Vì thế Lý Công Uẩn đã giết bỏ những kẻ không đủ tư cách, tự mình giành lấy quyền lực, lên ngôi hoàng đế. 

Lý Công Uẩn chính thức lên ngôi hoàng đế ngày 21/11/1009, đặt niên hiệu là Thuận Thiên, nghĩa là “thuận theo ý trời”. Ông truy phong cha là Hiển Khánh vương, mẹ là Minh Đức Thái hậu, chú là Vũ Đạo vương, anh ruột là Vũ Uy vương, em ruột là Dực Thánh vương. Ông lập ra 6 hoàng hậu, con trưởng Lý Phật Mã được lập làm Thái tử. Các con trai khác cũng được phong vương và tước hiệu.

Tiểu sử Lý Thái Tổ

Vua Lý Thái Tổ xây dựng kinh thành Thăng Long

Khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, tình hình đất nước lúc bấy giờ đang vô cùng khủng hoảng. Cả đất nước vẫn chưa thể thống nhất trên mọi phương diện, vẫn còn bị chia cắt bởi nhiều đội quân khác nhau, chủ yếu là chưa phục nhà Lý bởi họ cho rằng Lý Công Uẩn giết vua để cướp ngôi hoàng đế của nhà Lê, vì thế nỗi lo đất nước bị nhà Tống xâm lược vẫn còn rất lớn.

Do đó điều đầu tiên cần làm để ổn định lại tình hình đất nước, đó là xây dựng được nền móng chính quyền vững chắc, khởi đầu bằng việc xây dựng kinh đô để làm nơi phát triển lâu dài. Kinh đô Hoa Lư hiện đang là nơi được vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành lựa chọn, vì nơi đây dễ phòng thủ, địa hình thấp, được bao bọc bởi các yếu tố tự nhiên. Lý Công Uẩn đánh giá nơi này chỉ hợp để phát triển văn hóa, chứ không hợp để phát triển kinh tế.

Vì thế Lý Công Uẩn quyết dời kinh đô từ Hoa Lư về Đại La, bởi đây là vị trí thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, xã hội. Ngoài ra việc dời đô về Đại La cho thấy sự vững mạnh của nhân dân Đại Việt, không còn phải e sợ hay dè chừng khi phương Bắc xâm lược. Vào tháng 7 năm 1010, vua Lý Thái Tổ chính thức khởi sự dời đô về Đại La, khi đến nơi bỗng thấy có con rồng vàng bay lên trời, ông liền đổi tên Đại La thành Thăng Long, cho xây dựng thêm cung điện, củng cố thành lũy, sửa sang lại mọi thứ.

Vua Lý Thái Tổ thống nhất đất nước

Khi Lý Thái Tổ mới lên ngôi hoàng đế, đất nước khi này vẫn còn rất nhiều khó khăn, dân chúng chưa tin tưởng được vị vua mới của nhà Lý. Nhiều người bàn ra tán vào, cho rằng ông đã giết vua cũ của nhà Lê để xưng vương. Vì thế trong nước nổ ra nhiều cuộc nội chiến, hình thành nên nhiều đội quân khác nhau cai quản các thành, trấn.

Vì thế sau khi lên ngôi và dời đô về Thăng Long thành công. Vua Lý Thái Tổ đã cho rèn luyện binh mã, mang quân đi thảo phạt tất cả những kẻ chống đối để thống nhất đất nước. Tháng 2 năm 1011, vua Lý Thái Tổ mang quân đi thảo phạt quân của Cử Long ở Ái Châu, bắt người cầm đầu giải về kinh thành. Vào tháng 10 năm 1013, ông thân chinh đánh quân Man ở châu Vị Long, lại thắng trận ròn rã.

Năm 1012, Lý Thái Tổ bình định vùng đất Diễn Châu. Đến tháng 10 năm 1013, vùng châu Vị Long làm phản, hùa theo người Đại Lý của Trung Quốc. Vua Lý Thái Tổ mang quân đánh, thủ lĩnh châu là Hà Án Tuấn sợ hãi, đem đồ đạc và nhiều thân tín bỏ trốn sống trong rừng núi.

Đến năm 1014, vua Đại Lý sai hai tướng Dương Trường Huệ, Đoàn Kính Chí đem 20 vạn quân sang đánh nước Đại Việt, dừng chân tại bến Kim Hoa. Lý Thái Tổ nghe tin liền sai Dực Thánh Vương tập hợp binh mã đến đánh bến Kim Hoa. Quân Đại Lý bị đánh cho tan tác, chém được hàng vạn đầu giặc, bắt được vô số tù binh, thu về hàng vạn con ngựa. Tàn quân còn sót lại sợ hãi bỏ chạy về nước. Sau chiến thắng, vua Lý Thái Tổ hạ lệnh cho viên ngoại lang Phùng Chân, Lý Hạc mang 100 ngựa chiến của Đại Lý thu được để biếu tặng vua Tống với mục đích hòa hảo. Vua Tống khi này rất coi trọng sự chu đáo và cống nạp của nước ta.

Tiểu sử Lý Thái Tổ

Tháng 12 năm 1020, vua Lý Thái Tổ sai Khai Thiên vương Lý Phật Mã và Đào Thạc Phụ đem đại quân đi đánh Chiêm Thành ở trại Bố Chính, thẳng đến núi Long Tỵ (nay thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), từ đó chém được tướng Chiêm là Bố Linh ngay tại trận, người Chiêm Thành chết đến quá nửa. Nhờ vậy mà thu được rất nhiều của cải, đất đai, mở rộng bờ cõi đất nước.

Năm 1022, một thổ dân tên là Đại Nguyên Lịch mang quân sang đánh phá biên giới Việt-Tống. Lý Thái Tổ ra lệnh cho Dực Thánh vương tiêu diệt Đại Nguyên Lịch, quân đội của Đại Việt đánh đến châu Như Hồng trong đất Tống, đốt kho tàng, bắt nhiều dân và gia súc của Đại Nguyên Lịch rồi mang về.

Năm 1024, vua Lý Thái Tổ sai Thái tử Lý Phật Mã đem quân đánh châu Phong Luân, còn Khai Quốc vương thì đánh châu Đô Kim. Năm 1028, Thái tử lại được lệnh đánh châu Thất Nguyên, Đông Chinh vương cũng đi đánh châu Văn. Từ đó hoàn thành được công cuộc thống nhất đất nước, dẹp bỏ tất cả mối lo phản loạn, thu được lòng dân.  

Vua Lý Thái Tổ có công trong việc phát triển Phật giáo rực rỡ

Bên cạnh việc khai sinh ra nhà Lý, dời đô về Thăng Long, dẹp bỏ phản loạn, thống nhất đất nước. Thì vua Lý Thái Tổ còn có công lớn trong việc phát triển Phật giáo. Lý do là bởi ông vốn được thu nhận vào chốn chùa chiền ngay từ khi còn nhỏ. Nên sau này khi lên ngôi đã đối đãi rất tốt đối với Tăng ni, Phật tử. Việc đầu tiên sau khi lên ngôi, ông đã trích ngân khố để xây chùa ở Cổ Pháp, Bắc Ninh.

Tháng 12 năm năm 1010, vua Lý Thái Tổ sai sứ sang nước Tống để thỉnh kinh điển Phật giáo về truyền bá trong nước. Vua Tống chấp thuận, trao cho vua Lý kinh Địa Tạng cùng với chữ ngự bút do chính tay vua Tống viết. Cũng trong năm đó, sau khi củng cố xây dựng Hoàng thành Thăng Long, ông cho dựng chùa Hưng Thiên và tinh lâu Ngũ Phượng. Ngoài thành về phía nam cho dựng chùa Thắng Nghiêm.

Tiểu sử Lý Thái Tổ

Tháng 6 năm 1018, vua Lý Thái Tổ lại sai viên ngoại lang Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nước Tống để xin thỉnh Tam tạng kinh đem về để truyền bá cho dân chúng. Tháng 9 năm 1024, vua sai người dựng chùa Chân Giáo trong nội đô kinh thành Thăng Long, để hoàng đế có thể lui tới nghe kinh pháp mỗi ngày.

Cái chết của vua Lý Thái Tổ

Theo Đại Việt sử lược, vào đầu năm 1028, sức khỏe của vua Lý Thái Tổ đã không được tốt, thường xuyên đau yếu, ốm suốt ngày. Đến ngày 31 tháng 3 cùng năm, ông qua đời ở điện Long An, ở ngôi 19 năm, hưởng thọ 54 tuổi. Ông được mai táng ở Thọ Lăng, thuộc phủ Thiên Đức, truy tôn miếu hiệu là Thái Tổ, thụy hiệu là Thần Vũ Hoàng đế.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *