Tiểu sử đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tiểu sử đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng dân tộc, người đã có công lãnh đạo quân đội đẩy lùi các cuộc tấn công và xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ đó giúp đem lại độc lập, tự do và hòa bình cho Việt Nam.

Tiểu sử đại tướng Võ Nguyên Giáp

1. Gia đình và thân thế

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911, mất vào ngày 4 tháng 10 năm 2013, có tên khai sinh là Võ Giáp, ông còn được mọi người gọi với cái tên thân mật là tướng Giáp hoặc anh Văn. Ông được biết đến là Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một trong những người sáng lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Chính phủ Việt Nam đánh giá là “người học trò xuất sắc nhất” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vốn sinh ra và lớn lên ở làng An Xá, tổng Đại Phong Lộc, huyện Lệ Thủy, phủ Quảng Ninh (nay là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) trong một gia đình nhà nho. Cha của ông là cụ ông Võ Quang Nghiêm (Võ Nguyên Thân), một nhà nho có đức độ và mẹ của ông là cụ bà Nguyễn Thị Kiên. Gia đình của ông có 7 người con, tuy nhiên người anh cả và chị hai không may mất sớm trước khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau năm 1954, gia đình của ông chỉ còn 2 người con trai là đại tướng Võ Nguyên Giáp và Võ Thuần Nho, sau này là Thứ trưởng Bộ Giáo dục, cùng người em gái là bà Võ Thị Lài.

Tiểu sử đại tướng Võ Nguyên Giáp

2. Giai đoạn niên thiếu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất nghèo khổ, suốt quanh năm đều phải đi vay nợ từ các nhà giàu có để trang trải cuộc sống. Từ thuở bé, ông đã được mẹ kể cho những câu chuyện về những người anh hùng dân tộc đứng lên đấu tranh bảo vệ đất nước. Nhờ đó mà tình yêu quê hương, tổ quốc của ông dần lớn mạnh từng ngày, góp phần nuôi dưỡng phẩm chất và ý chí của một người chiến sĩ cách mạng.

Do người cha của đại tướng Võ Nguyên Giáp vốn là một nhà nho, thế nên ông đã được học rất nhiều điều về nho giáo, cộng thêm với những tư tưởng của Khổng Tử đã giúp ông trở nên hiểu biết, kính trọng tổ tiên, hiếu nghĩa cha mẹ, kính trên nhường dưới, thể hiện nghĩa vụ của con cái với cha mẹ, với đất nước. 

Trong những năm tháng niên thiếu, đại tướng Võ Nguyên Giáp học rất giỏi, luôn đứng đầu lớp và được bạn bè ngưỡng mộ. Tại kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học, ông đỗ đầu toàn tỉnh, trở thành niềm tự hào cho cả gia đình lẫn người dân trong làng. Đến năm 1925, ông rời quê nhà đến Huế để thi vào trường Quốc học Huế, năm đó ông đỗ thứ hai.

Trong thời gian học tại trường, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng được cụ Phan Bội Châu thuyết giảng về lý tưởng cách mạng, cũng như tham gia vào một số phong trào bãi khóa. Sau ông bị nhà trường đuổi học, được giới thiệu về làm báo với một số chí sĩ cách mạng, phục vụ cho việc đánh đuổi thực dân Pháp sau này.

3. Giai đoạn trưởng thành

Vào năm 1927, trường quốc học Huế tổ chức một cuộc bãi khóa quy mô lớn chưa từng có, lan theo ảnh hưởng đến những ngôi trường ở khắp nơi trong Huế. Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị đuổi học, được một người bạn cho đọc tài liệu và văn kiện cách mạng, trong đó có hai bài phát biểu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Từ đó ông đã cảm thấy xúc động và như được giác ngộ lý tưởng cách mạng lớn lao.

Năm 1930, đại tướng Võ Nguyên Giáp bị địch bắt và kết án hai năm tù. Sau khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động tuyên truyền, tạo dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Năm 1936, ông hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên các báo của Đảng: “Tiếng nói của chúng ta”, “Tiến lên”, “Tập hợp”, “Thời báo”, “Tin tức”… Đồng thời ông còn tham gia phong trào Đông Dương đại hội, được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.

Năm 1939, đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận lời về dạy môn lịch sử của Trường Tư thục Thăng Long, do Hoàng Minh Giám làm giám đốc nhà trường. 

Tiểu sử đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sự nghiệp quân sự xuất sắc của đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tháng 6 năm 1940, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Đầu năm 1941, ông trở về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao – Bắc – Lạng.

Tháng 12/1944, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao cho nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Tháng 4/1945, tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, ông được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ. Từ tháng Năm năm 1945, ông trở thành Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân. Đến tháng 6/1945, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng.

Tháng 8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, ông được bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, trở thành Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tiểu sử đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tháng 3/1946, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch Quân sự, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Đến tháng 10/1946, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam. 

Tháng 1/1948, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Từ tháng 9/1955 đến tháng 12/1979, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V và lần thứ VI của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương.

Từ tháng 1/1980, Đại tướng là Phó Thủ tướng thường trực.

Từ tháng 4/1981 đến tháng 12/1986, ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).

Do có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Những năm tháng cuối đời của đại tướng Võ Nguyên Giáp

Năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thôi chức ủy viên Trung ương, Phó Thủ tướng, nghỉ hưu ở tuổi 80. Thời gian cuối đời, ông vẫn quan tâm và đưa ra một số lời bình luận trên mặt báo về tình hình đất nước, hay đi gặp gỡ và khuyến khích doanh nhân làm xuất khẩu nông sản.

Tiểu sử đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngày 25 tháng 8 năm 2011, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mừng đại thọ tròn 100 tuổi. Tuy nhiên sau 100 tuổi, sức khỏe của ông đã có dấu hiệu yếu hơn trước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời vào hồi 18 giờ 9 phút ngày 4 tháng 10 năm 2013, thọ 103 tuổi. Ông là vị tướng lĩnh sống thọ nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước đến nay.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được an táng tại quê hương Quảng Bình, theo ý nguyện của ông và gia đình. Địa điểm an táng là khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình, nằm cách đèo Ngang khoảng 4 cây số. Nơi an nghỉ cuối cùng của ông hiện nay đã được xây dựng thành một quần thể kiến trúc để phục vụ người dân tới thăm viếng.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *