Tiểu sử Lý Nam Đế – Vị vua vĩ đại sáng lập nên nhà tiền Lý và khai sinh ra nước Vạn Xuân

Tiểu sử Lý Nam Đế

Lý Nam Đế là vị vua đầu tiên của triều đại tiền Lý, người đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm và khai sinh ra nước Vạn Xuân của người dân Đại Việt. Ông là một trong những vị vua kiêm anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất của Việt Nam.

Tiểu sử Lý Nam Đế là ai?

Lý Nam Đế sinh ngày 17 tháng 10 năm 503, ông có tên húy là Lý Bí, người đời còn gọi ông với cái tên là Lý Bôn. Ông là vị vua đầu tiên của nhà tiền Lý, người có công đánh đuổi nhà Lương và khai sinh ra nhà nước Vạn Xuân đầu tiên của người dân Đại Việt. Theo như nhiều nhà sử học đánh giá, Lý Nam Đế được xem như một trong 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu của Việt Nam.

Ngay từ khi còn nhỏ, Lý Bí đã tỏ ra mình là một người thông minh, nhanh nhẹn, có tư chất hơn người. Khi ông lên 5 tuổi thì cha mất, khi lên 7 tuổi thì mẹ qua đời, sau đó ông đành đến ở cùng với người chú ruột. Vào một ngày nọ, có một vị Pháp tổ thiền sư đi ngang qua nhà, tình cờ nhìn thấy Lý Bí. Ngài thấy ông có tư chất, lại khôi ngô tuấn tú, nhanh nhẹn thông minh, cho rằng tương lai chắc chắn sẽ làm nên chuyện lớn. Do đó vị pháp tổ thiền sư bèn thu nhận Lý Bí làm đệ tử, đem về chùa để nuôi dạy.

Tiểu sử Lý Nam Đế

Sau hơn 10 năm được nuôi dạy và giáo dục đúng đắn, Lý Bí đã trở thành người học rộng, hiểu sâu. Cộng thêm với tài văn võ song toàn, ông đã sớm được người dân địa phương tôn lên làm thủ lĩnh. Thứ sử của nhà Lương khi đó đã mời ông giữ chức vụ Giám quân ở Đức Châu (huyện Đức Thọ thuộc tỉnh Hà Tĩnh hiện nay). Tuy nhiên do ông bất bình với quan lại nhà Lương hà khắc, tàn ác với dân, điển hình như Thứ sử Giao Châu là Tiêu Tư, cho nên Lý Bí đã từ bỏ chức quan, về quê chiêu binh để lật đổ sự đô hộ của nhà Lương.

Lý Nam Đế khởi binh chống lại nhà Lương

Đầu thế kỷ thứ VI, nhà Lương của Trung Quốc đã xâm lược nước ta, chúng đô hộ Giao Châu. Chính quyền đô hộ chia lại nước ta thành: Giao Châu (đồng bằng và trung du Bắc bộ), Ái Châu (Thanh Hóa), Đức Châu, Lợi Châu, Minh Châu (Nghệ An – Hà Tĩnh) và Hoàng Châu (Quảng Ninh). Người dân cả nước bị chính quyền nhà Lương đàn áp và đối xử vô cùng tàn bạo, bóc lột dân chúng khiến đâu đâu cũng lầm than, nghèo đói.

Mặc dù đã từng làm quan dưới triều nhà Lương, thế nhưng do thương người dân phải chịu cảnh áp bức của bộ máy quan lại tàn bạo. Lý Bí đã từ quan về quê, chiêu binh mãi tướng để có thể thành lập quân đội lớn mạnh, lật đổ sự đô hộ của nhà Lương. Được nhiều người hưởng ứng, lực lượng của ông ngày càng lớn mạnh. Trong đó Tù trưởng ở Chu Diên (Hải Dương) là Triệu Túc cùng con là Triệu Quang Phục do phục tài đức của Lý Bí nên đã đem quân gia nhập với đạo quân của ông. Bên cạnh đó, Tinh Thiều là một người giỏi từ chương, từng đến kinh đô nhà Lương xin được làm quan, nhưng chỉ được cho chức vụ thấp kém nên bỏ về Giao Châu để đi theo Lý Bí.

Cuối năm 541, Lý Bí chính thức khởi binh chống lại nhà Lương, khí thế rất hùng mạnh. Theo nhiều tài liệu lịch sử của Trung Quốc, Tiêu Tư liệu thế không chống nổi quân của Lý Bí, phải sai người mang của cải đến đút lót cho ông để được tha chạy thoát về Quảng Châu. Nhờ vậy mà quân của ông có thể đánh chiếm lấy được thành Long Biên.

Tuy Tiêu Tư đã bỏ chạy, thế nhưng Lý Bí chỉ mới kiểm soát được vùng Bắc Bộ của Việt Nam hiện nay, các châu thuộc phía nam vẫn còn trong quyền kiểm soát của nhà Lương. Vào tháng 4 năm 542, Lương Vũ Đế sai Thứ sử Việt châu là Trần Hầu, Thứ sử La châu là Ninh Cự, Thứ sử An châu là Úy Trí, Thứ sử Ái châu là Nguyễn Hán cùng hợp binh để đánh Lý Nam Đế. Nhưng ông đã liệu sự như thần, chủ động đem quân ra đánh trước khi các đạo quân nhà Lương hợp nhất, phá tan được lực lượng chủ lực của chúng ở phía nam, làm chủ toàn bộ Giao Châu.

Tiểu sử Lý Nam Đế

Cuối năm 542, Lương Vũ Đế lại sai thứ sử Giao Châu là Tôn Quýnh, Thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng mang quân để sang đàn áp đại quân của Lý Bí. Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng sợ thế mạnh của Lý Bí nên không dám tiến quân, xin khất tới mùa thu năm sau. Thứ sử Quảng Châu là Tiêu Ánh không cho, Tiêu Tư cũng thúc giục, thế nên Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng buộc phải tiến quân.

Được tin quân Lương lại tiến sang, Lý Bí đã chủ động mang quân ra bán đảo Hợp Phố đón đánh phủ đầu chúng. Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng đi đến Hợp Phố, bị quân Lý Bí đánh cho đại bại, mười phần quân thì chết đến sáu, bảy phần, đại quân tan rã phải bỏ chạy thục mạng về nước.

Chiến thắng này giúp cho Lý Bí kiểm soát toàn bộ Giao Châu, tức là miền Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam ngày nay cộng thêm quận Hợp Phố (khu vực huyện Hợp Phố thành phố Bắc Hải tỉnh Quảng Tây và bán đảo Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay).

Lý Nam Đế khai sinh ra nước Vạn Xuân

Vào tháng Giêng năm 544, Lý Bí tự xưng là Nam Việt Đế (vua nước Nam) hay Lý Nam Đế, ông lên ngôi đặt niên hiệu là Thiên Đức (Đức trời), lập trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân để thể hiện mong muốn rằng xã tắc sẽ truyền đến muôn đời. Lý Nam Đế ở vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội), dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội, thành lập triều đình với hai ban văn, võ và lấy Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn, còn tướng Phạm Tu đứng đầu ban võ.

Tháng 6 năm 545, nhà Lương sai Dương Phiêu làm Thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên làm Tư mã, Thứ sử Định Châu là Tiêu Bột hội với Phiêu ở Giang Tây cùng đem quân xâm lược nước Vạn Xuân. Trần Bá Tiên đem quân đi trước, khi quân của hắn đến Giao Châu, vua Lý Nam Đế đã đem 3 vạn quân ra chống cự, nhưng bị thua ở Chu Diên, sau lại tiếp tục đánh thua ở cửa sông Tô Lịch. Tướng Tinh Thiều, Phạm Tu đều bị tử trận, vua Lý Nam Đế bèn chạy về thành Gia Ninh (Phong Châu cũ, ngày nay thuộc xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) để ẩn náu. Quân Lương thế mạnh như rồng như hổ, tiếp tục đuổi theo vây đánh.

Tiểu sử Lý Nam Đế

Tháng Giêng năm 546, Trần Bá Tiên đã đánh lấy được thành Gia Ninh. Vua Lý Nam Đế buộc phải chạy vào đất người Lạo ở Tân Xương để nương náu chờ ngày khôi phục binh lực. Trong khi đó quân Lương đóng ở cửa sông Gia Ninh. Sau một thời gian tập hợp và củng cố lực lượng, vào tháng 8 vua Lý Nam Đế đem 2 vạn quân từ trong đất Lạo ra đóng ở hồ Điển Triệt (xã Tứ Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay), đóng nhiều thuyền đậu chật cả mặt hồ. Quân Lương trông thấy mà hoảng sợ, cứ đóng lại ở cửa hồ không dám tiến vào. Nhưng vào một đêm, nước sông bỗng lên mạnh, dâng cao tới bảy thước, tràn đổ vào hồ. Trần Bá Tiên thấy vậy theo đó đem quân xuôi theo dòng nước tiến trước vào. Quân Vạn Xuân chủ quan không phòng bị vì thế mà bị vỡ trận, chết vô số người.

Vua Lý Nam Đế phải lui về sống ở trong động Khuất Lão, ông ủy cho con Thái phó Triệu Túc là Tả tướng Triệu Quang Phục giữ việc nước, điều quân đi đánh Trần Bá Tiên thay mình.

Cái chết của vua Lý Nam Đế

Năm 548, vào ngày 20 tháng 3 âm lịch (tức ngày 13 tháng 4 dương lịch), Lý Nam Đế ở động Khuất Lão lâu ngày đã bị nhiễm lam chướng, sau đó ông ốm nặng và qua đời. Ông đã ở ngôi được 5 năm (543–548), hưởng thọ 46 tuổi. Theo sách Việt Nam văn minh sử cương của Lê Văn Siêu có dẫn một số nguồn tài liệu cổ, cho rằng do vua Lý Nam Đế ở lâu ngày trong động, vì thế bị nhiễm lam chướng dẫn tới mù cả hai mắt. Vì vậy thế hệ sau cứ đến ngày giỗ của ông thường phải xướng tên các đồ lễ để vua ở trên cao có thể nghe thấy. 

Tiểu sử Lý Nam Đế

Bên cạnh đó, có thuyết cho rằng không phải vua Lý Nam Đế bị ốm chết mà ông bị người Lạo làm phản giết hại để lập công với nhà Lương. Tướng Lý Phục Man theo phò tá vua cũng mất theo vì nạn này. Triệu Quang Phục trở thành người kế thừa tư tưởng của Lý Nam Đế, tiếp tục chiến đấu đánh đuổi hoàn toàn nhà Lương ra khỏi bờ cõi, giữ vững cho nước Vạn Xuân được phát triển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *