Tôn Đức Thắng là một nhà cách mạng, một vị lãnh tụ có nhiều công lao và đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt là trong bối cảnh chủ tịch Hồ Chí Minh mới qua đời, đất nước phải trải qua cuộc chiến tranh với Mỹ để giành lại miền Nam yêu dấu.
Tiểu sử Tôn Đức Thắng là ai?
Tôn Đức Thắng sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888, được biết đến là một vị chính khách, nhà cách mạng, chủ tịch nước thứ hai của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông kế nhiệm chức vụ này ngay khi chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời không lâu, tiếp tục giữ gìn và phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, bảo vệ độc lập cho đất nước.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra và lớn lên tại Cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hoà Hưng, tổng Định Thành, hạt Long Xuyên (nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Nơi thường trú của ông trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch nước là tại quận Nam Từ Liêm, thủ đô Hà Nội.
Cha của ông là Tôn Văn Đề, mẹ là bà Nguyễn Thị Dị. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình kinh doanh khá giả, có nhiều người con, ông được anh chị và cha mẹ gọi là Hai Thắng. Vì gia đình có điều kiện cho nên chủ tịch Tôn Đức Thắng được ăn học đàng hoàng.
Năm 1906, sau khi tốt nghiệp Sơ cấp tiểu học Đông Dương tại Long Xuyên, chủ tịch Tôn Đức Thắng rời quê lên Sài Gòn học nghề thợ máy tại Trường Cơ khí Á Châu, dân gian thường gọi là Trường Bá Nghệ. Sau khi tốt nghiệp hạng ưu, ông được nhận vào làm công nhân ở Nhà máy Ba Son của Hải quân Pháp đóng tại Sài Gòn.
Quá trình hoạt động chính trị của chủ tịch Tôn Đức Thắng
Năm 1912, chủ tịch Tôn Đức Thắng tham gia tổ chức công nhân bãi công đòi quyền lợi, vì vậy ông đã bị sa thải khỏi nhà máy Ba Son. Đến năm 1913, ông sang Pháp làm công nhân ở Toulon. Năm 1914, ông được tuyển mộ làm lính thợ cho một đơn vị Hải quân Pháp, tham gia phản chiến chống lại cuộc can thiệp của Đế quốc Pháp vào nước Nga Xô Viết tại Hắc Hải (ngày 20 tháng 4 năm 1919), ông còn treo cờ đỏ trên một thiết giáp hạm của Pháp tại đây để ủng hộ Cách mạng Nga.
Năm 1920, sau cuộc binh biến, Tôn Đức Thắng bị trục xuất khỏi nước Pháp. Trở về Sài Gòn, ông vận động những người có cùng chí hướng với mình để thành lập Công hội bí mật. Dưới sự lãnh đạo của Công hội bí mật mà ông là Hội Trưởng đã giúp phát triển mạnh mẽ phong trào công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn, tiêu biểu nhất đó là cuộc bãi công của công nhân ở Ba Son vào tháng 8 năm 1925.
Năm 1927, Tôn Đức Thắng tham gia vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đóng vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Thành bộ Sài Gòn và Kỳ bộ Nam Kỳ, được phân công trực tiếp phụ trách phong trào công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn.
Năm 1928, ông bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn, cảnh sát thực dân Pháp gán cho ông vào tội chủ mưu giết người trong vụ ám sát một người hợp tác với chính quyền thuộc địa Nam Kỳ tên là Phát do các đồng chí của ông thực hiện tại đường Barbier (nay là đường Thạch Thị Thanh). Nhờ có một đồng chí trẻ tự nhận là chủ mưu, cùng với sự vận động của một số nhân sĩ trí thức người Việt như bà Trần Thị Cừu, Đốc học Nguyễn Văn Bá, luật sư Trịnh Đình Thảo, nên ông chỉ bị chính quyền thuộc địa tuyên án chung thân khổ sai rồi đày ra Côn Đảo.
Năm 1930, Tôn Đức Thắng tham gia vào Đảng Cộng Sản Việt Nam ngay tại nhà tù Côn Đảo.
Năm 1945, cách mạng Tháng Tám diễn ra thành công, ông và rất nhiều tù nhân chính trị được trả tự do, trở về đất liền tham gia kháng chiến. Trong khi đó thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ông đã bắt tay ngay vào cuộc chiến đấu mới của đồng bào Nam Bộ và nhân dân cả nước. Ông đã giữ chức Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1945). Ông là Đại biểu Quốc hội liên tục các khóa I-VI.
Ngày 06 tháng 01 năm 1946, trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, Tôn Đức Thắng được nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1947, ông được cử làm Tổng thanh tra của Chính phủ và quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Năm 1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, Tôn Đức Thắng được bầu làm Trưởng Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương.
Năm 1950, ông được bầu làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Xô.
Năm 1951, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; ngoài ra còn được cử làm Phó trưởng Ban Dân vận – Mặt trận Trung ương.
Năm 1955, Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 7 cùng năm, ông được bầu là Chủ tịch danh dự Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam và được Đại hội Hòa bình thế giới bầu làm Ủy viên Hòa bình thế giới. Ngày 20/9 cùng năm, tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa I đã bầu ông làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội.
Năm 1960, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II, Tôn Đức Thắng được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông giữ chức vụ này cho đến năm 1969.
Năm 1969, chủ tịch Hồ Chí Minh không may lâm bệnh nặng rồi qua đời. Tại kỳ họp đặc biệt Quốc hội khóa III, Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1976, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, chiến tranh kết thúc, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI – Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, chủ tịch Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Năm 1977 – 1980, ông còn được bầu làm Chủ tịch danh dự Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Những năm tháng cuối đời của chủ tịch Tôn Đức Thắng
Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, chủ tịch Tôn Đức Thắng đã vinh dự được nhận Huân chương sao vàng – Huân chương cao quý của nước Việt Nam, Huân chương Lênin của nước Nga Xô Viết, Huân chương Soukhe – Bator của nước Mông Cổ và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tuy nhiên do tuổi cao, sức yếu, chủ tịch Tôn Đức Thắng đã qua đời lúc 6 giờ 35 phút ngày 30 tháng 3 năm 1980. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định tổ chức lễ quốc tang cho ông với nghi thức trọng thể nhất, diễn ra trong 5 ngày từ ngày 1 đến ngày 5/4/1980. Ông được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng giống như chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã hiến dâng cả đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc và cho lý tưởng của cộng sản chủ nghĩa. Ông chính là một hình ảnh trong sáng của tinh thần cách mạng bất khuất và đạo đức, suốt đời chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị, suốt đời phục vụ cho nhân dân.