Tiểu sử Trường Chinh – Vị tổng bí thư và nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng Sản Việt Nam

Tiểu sử Trường Chinh

Trường Chinh là một trong những học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông không chỉ là một nhà chính trị, lãnh đạo lỗi lạc, mà còn là một người chiến sĩ cách mạng yêu nước, thương dân, hết lòng cho sự nghiệp độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc.

Tiểu sử Trường Chinh là ai?

Trường Chinh có tên khai sinh là Đặng Xuân Khu, ông sinh ngày 09/02/1907 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông được biết đến là một nhà chính trị, tổng bí thư ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch nước thứ hai của Việt Nam. Ngoài ra ông còn là một nhà thơ với bút danh Sóng hồng.

Trường Chinh sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức có tinh thần yêu nước lớn lao. Ông nội của ông là cụ Đặng Xuân Bảng, đã từng đỗ Tiến sĩ tam giáp đệ nhất danh năm 1856. Cha của ông là cụ Đặng Xuân Viện, là một nhà nho không thành đạt trong con đường khoa cử, nhưng lại là một thành viên trong nhóm Nam Việt đồng thiên hội, là người biên soạn bộ Minh đô sử nổi tiếng. Mẹ của ông là bà Nguyễn Thị Từ.

Tiểu sử Trường Chinh

Chính vì được sinh ra trong gia đình trí thức, Trường Chinh được rèn dạy vô cùng nghiêm khắc và cẩn thận ngay từ nhỏ. Ông đã được cha cho học với Tứ thư, Ngũ kinh, thơ Đường và được đào tạo bài bản về văn hóa và lịch sử theo truyền thống Nho học. Khi lớn lên, ông bắt đầu tiếp xúc với Tây học và theo học bậc Thành chung tại Nam Định. Khi trưởng thành, ông học chữ quốc ngữ và trở thành nhà báo, viết cho nhiều tờ báo lớn ở Hà Nội như: Nam Phong, Trung Bắc Tân Văn, Ngọ Báo,…

Sự nghiệp cách mạng của Trường Chinh

Năm 1925, khi Trường Chinh mới 18 tuổi, đang còn học ở bậc Thành Chung (nay là trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định), ông đã tham gia phong trào đấu tranh đòi ân xá cho Phan Bội Châu, lãnh đạo cuộc bãi khóa ở Nam Định để truy điệu Phan Chu Trinh. Đến năm 1926, ông bị nhà trường đuổi học vì tham gia các phong trào không được phép.

Năm 1927, Trường Chinh chuyển lên Hà Nội, tiếp tục theo học ở trường Cao đẳng Thương mại và đã tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Đến năm 1929, ông tham gia cuộc vận động thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của đảng này.

Tiểu sử Trường Chinh

Năm 1930, Trường Chinh được chỉ định vào Ban tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm này, ông đã bị thực dân Pháp bắt và kết án 12 năm tù đày đi Sơn La, mãi đến năm 1936 thì ông mới được trả tự do.

Trong những năm từ 1936 – 1939, Trường Chinh giữ chức vụ Xứ Ủy viên Bắc Kỳ cùng Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt, đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Ủy ban Mặt trận Dân chủ Bắc Kỳ. Đến năm 1940, ông được cử làm chủ bút báo Cờ giải phóng, cơ quan của Xứ ủy Bắc Kỳ, kiêm phụ trách các tờ báo tiếng Pháp như Le Travail, Rassemblement, En Avant và báo Tin tức.

Trường Chinh trở thành lãnh đạo quan trọng của Đảng Cộng Sản Việt Nam

Tại Hội nghị Trung ương VII họp tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 11 năm 1940, Trường Chinh đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương cùng Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt và được cử làm Quyền Tổng Bí thư Đảng thay ông Nguyễn Văn Cừ.

Tháng 5 năm 1941, tại Hội nghị Trung ương 8 họp tại Cao Bằng, ông được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, kiêm Trưởng ban tuyên huấn Trung ương, kiêm Chủ bút báo “Cờ giải phóng” và “Tạp chí Cộng sản”, Trưởng ban Công vận Trung ương.

Tiểu sử Trường Chinh

Tháng 3 năm 1945, Trường Chinh triệu tập và chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương (Tổ chức tại Chùa Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) ra Chỉ thị nổi tiếng “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, xác định thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong giai đoạn chuẩn bị Cách mạng tháng Tám 1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng do ông chủ trì, ông được cử phụ trách Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.

Cuối năm 1945, nhằm mục đích tránh những bất lợi về chính trị và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong chỉ đạo phong trào Việt Minh, Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào hoạt động bí mật nên tuyên bố tự giải tán, chuyển thành Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương do Trường Chinh làm Hội trưởng.

Năm 1951, tại Đại hội lần thứ hai của Đảng (đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam), Trường Chinh đã được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và giữ chức Tổng Bí thư cho đến tháng 10 năm 1956.

Cuộc cách mạng ruộng đất gây nhiều tranh cãi

Từ năm 1938, Trường Chinh cùng với Võ Nguyên Giáp viết chung một tiểu luận nhỏ có tựa đề “Vấn đề dân cày”, xác định vấn đề cần phải thực hiện cuộc “Cải cách ruộng đất” để có thể tái phân phối lại quyền sử dụng đất đai của nhân dân cả nước. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà tổ chức Việt Minh đặt ra và từ đó có được sự ủng hộ của số đông nông dân, vốn chỉ chiếm giữ một tỷ lệ rất nhỏ đất đai. Đường lối cải cách ruộng đất cũng được đưa ra trong Báo cáo chính trị của ông tại Đại hội II của Đảng diễn ra vào năm 1951.

Năm 1953, giữa lúc Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu chiếm ưu thế trên chiến trường chống thực dân Pháp, Trường Chinh đã được cử làm Trưởng ban cải cách ruộng đất Trung ương. Cuộc cải cách ban đầu có những kết quả nhất định khi chỉ thực hiện việc tịch thu tài sản, đất đai của những người bị xem là “phản quốc” (theo thực dân Pháp, chống lại đất nước), “phản động” (chống lại chính quyền) và chia cho giai cấp bần nông, cố nông.

Tuy nhiên, sau khi nắm được quyền kiểm soát miền Bắc, dưới áp lực của các cố vấn Trung Quốc, vào cuối năm 1954, chiến dịch cải cách ruộng đất bắt đầu được đẩy mạnh và nhanh chóng, với cường độ lớn. Từ giữa năm 1955 ở một số nơi đã xuất hiện hiện tượng đấu tố tràn lan, mất kiểm soát. Nhiều người bị quy tội sơ sài là “địa chủ, tư sản bóc lột” và bị xử tử hình hay tù khổ sai. Nhiều trường hợp lạm quyền của các cán bộ đội viên đội công tác ruộng đất trong công tác đất đai, dẫn đến trả thù cá nhân, thậm chí bùng phát bạo lực, dẫn đến nhiều cái chết oan ức gây bức xúc trong dư luận.

Tuy không phải là người trực tiếp thực hiện, thế nhưng Trường Chinh lại là người lãnh đạo cao nhất của Cải cách ruộng đất, ông phải gánh trách nhiệm nặng nhất khi bị luận tội. Tại Hội nghị trung ương 10 khóa II mở rộng từ 25 tháng 8 đến 5 tháng 10 năm 1956 về vấn đề sửa sai cải cách ruộng đất, ông đã từ chức Tổng Bí thư. Sau đó ông đứng đầu Ban chỉ đạo công tác sửa sai, cho đến năm 1958.

Những năm tháng cuối đời của Trường Chinh

Năm 1958, Trường Chinh được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước. Đến năm 1960, ông lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác Quốc hội và công tác lý luận của Đảng. Cũng trong năm này, ông được Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bầu làm Chủ tịch Quốc hội và đến năm 1976, và được tín nhiệm giữ cương vị người đứng đầu quốc hội cho đến năm 1981.

Tiểu sử Trường Chinh

Năm 1981, Trường Chinh được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đến tháng 5 năm 1986, khi tổng bí thư Lê Duẩn tuổi cao sức yếu và qua đời, Trường Chinh được giao nhiệm vụ quyền Tổng bí thư. Đại hội trung ương chưa kịp tiếp diễn nên tại Hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương được tổ chức vào ngày 14/7/1986, Trường Chinh khi đó đang đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến ngày Đại hội Đảng được tổ chức (ngày 18/12/1986).

Đến tháng 12 năm 1986, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, Trường Chinh đã rút khỏi các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước để làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban soạn thảo Cương lĩnh và chiến lược kinh tế và kiêm Trưởng tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh chính trị của Đảng.

Trường Chinh không may mất đột ngột vào ngày 30 tháng 9 năm 1988 tại Hà Nội do bị ngã cầu thang trong khi vẫn đang đương chức Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, hưởng thọ 81 tuổi. Tang lễ của ông được tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, sau đó linh cữu được chuyển tới an táng tại nghĩa trang Mai Dịch.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *