5 Điều cấm của nhà Phật hay Ngũ giới là những điều được Đức Phật tạo ra để ngăn ngừa Phật tử làm những điều ác độc, trái với luân thường đạo lý. Có như vậy mới giúp chư Tăng ni, Phật tử giữ được cái tâm trong sáng, một lòng hướng Phật.
Thế nào là Quy y Tam bảo?
Quy y Tam bảo là thuật ngữ về một nghi lễ đặc trưng của đạo Phật. Đây được coi như điểm khởi đầu mang tính định hướng, giác ngộ từ một “phật tử cảm tính” thành “phật tử đúng pháp” dưới ánh sáng, giáo lý đạo Phật. Quy y Tam bảo là thời khắc thiêng liêng để bạn chính thức được trở thành người Phật tử tại gia, nương tựa vào ba ngôi báu của nhà Phật, tiếp nhận cương lĩnh về cách sống đạo đức dựa theo năm giới mà Đức Phật truyền lại, nhằm giúp bạn biết cách tự tạo ra và gìn giữ phước báu cho riêng mình, để cuộc sống trở nên an vui, bình an ở hiện tại và những kiếp sống về sau.
Tại sao bất kỳ Phật tử nào cũng cần phải Quy y Tam bảo?
Giai đoạn đầu tiên mà người Phật tử cần phải làm đó chính là Quy y Tam Bảo. Quy y Tam Bảo có thể được hiểu ngắn gọn là trở về nương tựa với ba ngôi báu của đạo Phật: Nương tựa Phật (chính là nương tựa vào sự trí tuệ giác ngộ), nương tựa Pháp (chính là nương tựa vào Tam Tạng giáo điển, những lời di huấn của Đức Phật để lại qua kinh sách), nương tựa Tăng (chính là nương tựa vào sự hòa hợp, nương tựa vào tăng đoàn để có cách tu hành đúng với Chánh Pháp) để mang đến sự lợi lạc cho đời sống ở hiện tại.
Ngoài ra, chữ Quy ở đây mang ý nghĩa đó là sự trở về, theo về, còn chữ Y mang ý nghĩa nương nhờ hay thuận theo, làm theo lối đã định, tam quy là Quy y Tam bảo. Nói tóm lại, Quy y Tam bảo của Phật giáo chỉ về sự nương vào uy lực của Tam bảo để đạt được an ổn vô hạn của tâm thức, thoát mọi khổ đau, buồn não.
Cũng cần hiểu sâu hơn, Quy y không nhất thiết là người Phật tử phải xuống tóc đi tu, từ bỏ mọi thế tục cuộc đời, lại càng không hề phân biệt tuổi tác cũng như giới tính. Quy y ở đây chính là con đường mà Đức Phật hướng chúng sanh từ bỏ tà ác, tu tập tâm thiện. Chính vì vậy nếu càng Quy y sớm, Phật tử càng nhận được nhiều phước lành và giảm bớt được đau khổ trong cuộc đời.
Ý nghĩa của việc Quy y Tam bảo
Đức Phật thường nhìn nhận mọi sự vật cũng như hiện tượng trên thế gian này luôn đúng với bản chất mà nó hiện hữu. Đức Phật cho rằng không có một đấng tối cao hay bất kỳ một vị thần linh nào đã kiến tạo ra thế giới mà quy định sẵn về số mệnh của con người. Tất cả mọi vấn đề về kinh tế, giáo dục, gia đình và xã hội,… đều có mối tương quan, vận hành theo luật nhân quả.
Chính vì lẽ đó mà Đức Phật luôn dạy cho con người phải biết không nên tin vào sự tự nhiên hay ngẫu nhiên. Khi gặp khó khăn thì phải biết suy xét cái nào đúng, cái nào sai để tìm ra được nguyên mà có cách sửa chữa, không nên có tư tưởng phụ thuộc vào người khác, hay trông nhờ vào may mắn. Vì như vậy sẽ khiến cho con người mất khả năng tự nỗ lực, cố gắng, rất dễ buông xuôi tất cả, tạo ra nhiều tiêu cực trong lối sống.
Hiểu được ý nghĩa của Quy y Tam bảo này, chư Phật tử sẽ không còn bị mê muội bởi tà kiến, biết đánh thức khả năng tiềm ẩn của bản thân để phát huy thế mạnh nhằm tạo ra nhiều cơ hội tốt đẹp hơn trong tương lai.
5 Điều cấm khi Quy y Tam bảo cần nắm rõ
Bên cạnh thực hiện tam quy khi Quy y Tam bảo, đó là: Phật, Pháp và Tăng, thì những Phật tử đã Quy y còn phải hiểu rõ Ngũ giới để giữ trong sạch cho đạo Phật. Ngũ giới đó là: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.
1. Không sát sanh
Là Phật tử thì không được có những hành động tàn sát, cướp đi mạng sống của các sinh linh khác đang tồn tại. Bởi lẽ, theo lời dạy Đức Phật thì mọi sinh linh đều bình đẳng như nhau. Nếu sát sanh thì sẽ khiến chúng ta mãi mãi gặp tương oán, không thể thoát khỏi luân hồi. Thay vào đó, chúng ta hãy gieo nhân thiện, làm việc tốt để giúp chúng sanh được phát triển.
2. Không trộm cắp
Là Phật tử thì không được có hành vi trộm cắp và tiêu hưởng tài sản không phải là của mình. Bởi nếu làm như vậy sẽ khiến cho người khác bị lâm vào cảnh đói túng và đau khổ. Giữ giới không trộm cắp chính là giúp bản thân chúng ta biết kiềm chế tham vọng bất chính để tránh đi những hệ lụy không tốt về sau, tránh gặp quả báo.
3. Không tà dâm
Là Phật tử phải có cái tâm trong sáng, không được đam mê sắc dục một cách mù quáng rồi dẫn đến tà dâm, tâm địa bất chính. Nếu là người đã có vợ, có chồng thì không được phép ngoại tình mà phải giữ cho một lòng chung thủy để gia đình được hạnh phúc, không làm khổ đau người khác.
4. Không nói dối
Là Phật tử phải nên hiểu rõ ý nghĩa lời răn dạy của Đức Phật để biết kiềm chế lời ăn tiếng nói, tránh những tai họa không đáng có xảy ra. Không nên nói những lời sai sự thật, lời giận dữ, lời xấu ác, đặt điều nhằm bôi nhọ danh dự, chà đạp nhân phẩm hoặc làm tổn thương cho người khác.
5. Không uống rượu
Là Phật tử không được phép uống rượu, không sử dụng các chất kích thích nguy hại cho sức khỏe để tránh gây bệnh tật, ốm đau, khiến chúng ta phải mất tiền bạc để chữa trị, làm ảnh hưởng tới người khác.
Lợi ích khi Phật tử giữ gìn Ngũ giới
Người biết giữ gìn Ngũ giới sẽ tạo nên được căn bản đạo đức và sự an lành cho bản thân.
– Không sát sanh thì bản thân Phật tử sẽ không lo bị người khác giết, hoặc phải đi tù tội về giết người, cũng không lo nợ máu trả bằng máu.
– Không trộm cắp thì bản thân Phật tử sẽ không mắc tội tù về trộm cướp, ở đâu hay đi đến chỗ nào khỏi phải sợ có người theo dõi nghi ngờ.
– Không tà dâm thì bản thân Phật tử sẽ khỏi phải lao thần tổn trí, khỏi sợ ai bàn tán dở hay, bản thân sẽ được người khác yêu mến.
– Không nói dối thì bản thân Phật tử sẽ không phải hối hận, lời nói tự khắc có giá trị, tạo được niềm tin cho mọi người.
– Không uống rượu thì bản thân Phật tử sẽ luôn trong trạng thái tỉnh táo, không bị mê muội mà làm những việc sai trái, bất chính. Không phải lo gặp phải ốm đau, bệnh tật, tiền mất tật mang,…
Chính vì lẽ đó mà chư Phật tử nên tuân thủ nghiêm ngặt 5 điều cấm khi Quy y Tam bảo.