Bát chánh đạo là gì và cách ứng dụng nó trong đời sống ra sao để có thể giúp bản thân thoát khỏi đau khổ, được giải thoát? Tất cả sẽ có trong bài viết sau đây.
Bát chánh đạo là gì?
Bát chánh đạo là một bản tóm tắt ở thời kỳ ban đầu của Phật giáo về những con đường của các phương pháp thực hành trong đạo Phật nhằm dẫn đến sự giải thoát khỏi vòng luân hồi (hay còn gọi là vòng lặp tái sinh đầy đau khổ) bằng việc đạt đến trạng thái Niết bàn. Bát chánh đạo có tổng cộng tám pháp thực hành (8 con đường), bao gồm: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Ở thời kỳ ban đầu của Phật giáo, những pháp thực hành này đã bắt đầu bằng việc hiểu rằng cơ thể và tâm trí luôn làm việc theo cách bất thiện (chánh kiến), sau đó mới là việc bước vào con đường Phật giáo bằng cách gìn giữ, kiểm soát bản thân, từ đó giúp phát triển nên lòng từ bi và trắc ẩn. Cuối cùng sẽ kết thúc bằng thiền định, chính là cái để củng cố cho những pháp thực hành trên trong việc phát triển của cơ thể và tâm trí.
Tuy nhiên ở thời kỳ về sau của Phật giáo, trí tuệ đã trở thành công cụ chính trong việc dẫn đến sự giải thoát, từ đó đã tạo ra một khái niệm khác và cấu trúc khác của con đường, trong đó mục đích của con đường Phật giáo đã được định rõ hơn bằng việc chấm dứt sự vô minh và hình thành nên sự tái sinh.
Bát chánh đạo chính là một trong những bản tóm tắt chính trong các phương pháp của Phật giáo thời kỳ về sau, được truyền dạy để giúp người tu hành có thể đạt đến quả vị A-la-hán. Trong truyền thống Thượng tọa bộ, con đường này còn được tóm tắt như là sila (giới), samadhi (định) và prajna (tuệ). Trong Phật giáo đại thừa, con đường này còn đối lập với con đường của Bồ tát, là con đường được tin rằng đi xa hơn quả vị A-la-hán để đạt đến Phật tính.
Trong chủ nghĩa tượng trưng của Phật giáo, bát chánh đạo thường được đại diện bằng hình ảnh bánh xe chánh pháp (dharmacakra), trong đó tám nan hoa của bánh xe sẽ đại diện cho tám nhánh của con đường. Tất cả sẽ được giải thích cụ thể trong phần tiếp theo của bài viết.
Nội dung của 8 con đường trong Bát chánh đạo
1. Chánh kiến
Chánh kiến là nhánh đầu tiên của Bát chánh đạo – là con đường giải thoát đến sự an lạc. “Chánh” tức là ngay thẳng, là đúng đắn, “Kiến” là thấy, là nhận thức, sự nhận biết. “Chánh kiến” được hiểu là sự nhận thức đúng đắn, sáng suốt của trí tuệ. Mỗi một hành động của chúng ta đều mang lại kết quả, cái chết không phải là kết thúc, hành động và niềm tin của chúng ta đều mang lại kết quả sau cái chết.
Đức Phật đã đi theo và dạy lại một con đường thành công trong việc giải thoát khỏi thế giới này và thế giới khác (hay còn gọi là thiên đàng và địa ngục). Về sau, chánh kiến đã trở nên cụ thể bao gồm nghiệp và tái sinh, và sự quan trọng của Tứ diệu đế, khi mà “trí tuệ” trở thành trọng tâm trong sự giải thoát trong Phật giáo.
2. Chánh tư duy
Chánh tư duy là nhánh thứ hai của Bát chánh đạo, có nghĩa là suy nghĩ chân chánh, không trái với lẽ phải. Từ hiểu biết đúng (chánh kiến) khiến người tu hành sẽ suy nghĩ đúng, hiểu được hành trình nào cũng có gian khó, cạm bẫy rình rập, thế nhưng vẫn phải kiên trì và tin tưởng vào con đường của mình.
Ngoài ra, chánh tư duy còn là sự từ bỏ đời sống gia đình và sự chấp nhận cuộc sống bậc xuất gia để đạt được thành tựu. Điều này hướng đến sự xuất ly một cách bình yên, trong một môi trường không ái dục, không sân hận, tránh xa khỏi sự hãm hại. Một môi trường như vậy sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc nghiền ngẫm về sự vô thường, sự khổ đau, sự vô ngã.
3. Chánh ngữ
Chánh ngữ là nhánh thứ ba của Bát chánh đạo, có nghĩa là lời nói chân thật, ngay thẳng, không nói dối, không nói thô lỗ, không nói cho một người về cái mà người khác nói về họ để gây ra sự bất hòa, sự cãi vã hoặc làm hại đến mối quan hệ của chính họ.
4. Chánh nghiệp
Chánh nghiệp là nhánh thứ tư của Bát chánh đạo, có nghĩa là hành động sáng suốt chân chính. Luyện tập chánh nghiệp tức là người tu hành cần phải làm điều thiện, không sát sinh, không tà dâm, không trộm cắp, làm lẽ phải, tôn trọng sự sống của muôn loài, không làm hại đến nghề nghiệp, tài sản, địa vị của người khác, sống có đạo đức,…
5. Chánh mạng
Chánh mạng là nhánh thứ năm của Bát chánh đạo, trong đó “Mạng” ở đây nghĩa là sinh mạng, sự sống. Phật giáo đề cao sự bình đẳng của mọi chúng sinh, mọi sự sống. Do đó, Chánh mạng có ý nghĩa tức là người tu hành phải làm nghề sinh sống chân chính, thiện lương, không bóc lột, không xâm hại đến lợi ích của người khác. Ngoài ra chánh mạng còn khuyến khích việc sống đời trong sạch, tránh xa những nghề nghiệp có thể tạo nghiệp xấu về sau như: Buôn người, giết mổ gia súc, bán độc dược, bán thú vật để giết hại ăn thịt,…
6. Chánh tinh tấn
Chánh tinh tấn là nhánh thứ sáu của Bát chánh đạo, trong đó “Tinh tấn” có nghĩa là siêng năng, cố gắng, chú tâm. Chánh tinh tấn mang ý nghĩa đó là phải luôn cố gắng liên tục, không nản lòng, tập trung đi đến lý tưởng đúng đắn mà bản thân đang theo đuổi. Sự quan trọng của Chánh tinh tấn thể hiện ở chỗ nếu như người tu hành đặt ra vô số mục tiêu nhưng không kiên trì đến cùng với nó thì sẽ không thể gặt hái được trái ngọt. Chánh tinh tấn bản chất chính là thực tập tiêu diệt các tật xấu trên đời, đồng thời vun đắp những điều tốt, thực tập trau dồi trí tuệ và phước đức, kiểm soát bản thân, lời nói, ý nghĩ sao cho hành động ngay thẳng, đúng đắn.
7. Chánh niệm
Chánh niệm là nhánh thứ bảy của Bát chánh đạo, trong đó “Niệm” tức là ghi nhớ, suy nghĩ. Trong Chánh niệm được chia làm hai yếu tố là chánh ức niệm và chánh quán niệm. “Chánh ức niệm” tức là suy nghĩ về quá khứ, còn “Chán quán niệm” lại có ý nghĩa tức là quan sát ở hiện tại, bắt đầu trong tương lai. Như vậy, “Chánh niệm” tức là khuyến khích thực tập bản thân người tu hành cần ý thức được khoảnh khắc trong hiện tại và tập trung vào khoảnh khắc đó, chứ không phải hành động xáo trộn bởi các yếu tố khác.
8. Chánh định
Chánh định là nhánh thứ tám của Bát chánh đạo, trong đó “Định” ở đây được hiểu là thiền định, tập trung tư tưởng để tu tập. “Chánh định” mang ý nghĩa cho việc tập trung tư tưởng vào chân lý đúng, có lợi cho bản thân người tu hành và cả cho người khác. Trên hành trình đến giác ngộ chân lý và niềm an lạc, người tu hành phải thực sự thực hành, thực hành liên tục chứ không thể chỉ dựa vào lý thuyết suông. Khi bản thân người tu hành đạt được trạng thái định tâm – tập trung hoàn toàn vào mục đích, đối tượng – thì tâm trí sẽ thấy được điều mong muốn.