Nếu như Lạc Long Quân là người có công bình định, làm yên ổn vùng đất Lĩnh Nam, tạo điều kiện cho người dân an cư, lạc nghiệp. Thì các đời Hùng Vương là những người có công dựng nước, giữ nước, giúp Đại Việt phát triển mạnh mẽ, trường tồn đến ngày nay.
Tiểu sử Hùng Vương từ thời kỳ đầu tiên
Vào những năm 2879 thời kỳ trước công nguyên, vua Kinh Dương Vương sáng lập ra họ Hồng Bàng. Sau đó vua Kinh Dương Vương lấy nàng Long Nữ và hạ sinh ra người con trai được đặt tên là Lạc Long Quân. Theo như những truyền thuyết từ xa xưa kể lại rằng, Tổ phụ Lạc Long Quân đã lấy Tổ mẫu Âu Cơ và sinh ra một bọc trứng, bọc nở ra thành 100 người con. Tuy nhiên do giống Rồng và giống Tiên không hợp nhau cho nên Lạc Long Quân đành dắt 50 người con xuống biển, còn Âu Cơ dắt 50 người con còn lại lên núi. Người con trải cả của hai người được truyền ngôi và lấy hiệu là Hùng Vương, trở thành vị vua đầu tiên của nhà nước Văn Lang.
Truyền thuyết khác còn kể lại rằng, vua Hùng Vương bắt đầu xuất hiện từ thời xã hội Văn Lang còn tồn tại. Đứng đầu nhà nước Văn Lang khi đó là những thủ lĩnh tối cao, được người dân biết đến với tôn hiệu Hùng Vương. Hùng Vương là người chỉ huy quân sự, nhưng cũng đồng thời là người chủ trì những nghi lễ tôn giáo của đất nước. Dưới thời Hùng Vương còn có các Lạc tướng, Lạc hầu để chuyên giúp việc, hỗ trợ cho nhà vua. Cả đất nước Văn Lang được chia thành 15 bộ (bộ là đơn vị hành chính lớn), có Lạc tướng còn trực tiếp cai quản công việc của các bộ. Dưới Lạc tướng là các Bố chính, đứng đầu các làng bản, thôn xóm.
Danh sách tên của 18 vị vua Hùng Vương
Ở trong cuốn sách “Thế thứ các triều vua Việt Nam” của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, trong đó có đề cập danh sách 18 vị Vua Hùng vô cùng đầy đủ và rõ nét. Tuy nhiên, sau phần danh sách đó, tác giả đã đưa ra một nhận xét có thể coi là giả thuyết lịch sử, thuộc một trong hai quan điểm được nhiều nhà sử học tạm chấp nhận đó là: 18 vị Vua Hùng mà chúng ta nghĩ đến hiện nay không phải là 18 con người cụ thể nắm quyền lực nhà vua, mà đó chỉ là 18 chi (nhánh/ ngành), mỗi chi này có nhiều vị vua khác thay phiên nhau trị vì và dùng chung vương hiệu là Hùng Vương mà thôi.
Còn theo như những nghiên cứu và căn cứ trong cuốn “Đại Việt sử lược”, 18 đời Vua Hùng trị vì đất nước vào khoảng thời gian những năm 688-280 trước công nguyên. Vị vua đầu tiên của Việt Nam tên là Kinh Dương Vương, tức Lục Dục Vương sinh năm Nhâm Ngọ (2919 tr. TL) lên ngôi năm 41 tuổi và vị vua thứ 18 là Hùng Duệ Vương sinh năm Canh Thân (421 tr. TL), lên ngôi khi mới có 14 tuổi. Khi đó, người Lạc Việt đã gọi các vị vua của nước Văn Lang là Hùng Vương.
Danh sách chi tiết 18 vị vua Hùng để bạn có thể tham khảo như sau:
– Kinh Dương Vương: 2879 – 2794 TCN (số năm trị vì là ước đoán). Húy là Lộc Tục.
– Hùng Hiền vương, còn được gọi là Lạc Long Quân: 2793 – 2525 TCN. Huý là Sùng Lãm.
– Hùng Lân vương: 2524 – 2253 TCN
– Hùng Diệp vương: 2252 – 1913 TCN
– Hùng Hi vương: 1912 – 1713 TCN
– Hùng Huy vương: 1712 – 1632 TCN
– Hùng Chiêu vương: 1631 – 1432 TCN
– Hùng Vĩ vương: 1431 – 1332 TCN
– Hùng Định vương: 1331 – 1252 TCN
– Hùng Hi vương: 1251 – 1162 TCN
– Hùng Trinh vương: 1161 – 1055 TCN
– Hùng Vũ vương: 1054 – 969 TCN
– Hùng Việt vương: 968 – 854 TCN
– Hùng Anh vương: 853 – 755 TCN
– Hùng Triêu vương: 754 – 661 TCN
– Hùng Tạo vương: 660 – 569 TCN
– Hùng Nghị vương: 568 – 409 TCN
– Hùng Duệ vương: 408 – 258 TCN
Công lao của các đời vua Hùng Vương theo lịch sử dân tộc
Hùng Vương là vị vua đầu tiên của nhà nước Văn Lang, đây cũng là nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Trong dân gian đã lưu truyền rất nhiều truyền thuyết về những triều đại Hùng Vương từ rất lâu đời, những lí giải về nguồn gốc của dân tộc được dẫn dắt theo cách dễ nhớ, dễ hiểu, gắn liền với những phong tục tập quán và nền văn minh lúa nước của Việt Nam.
Sự nghiệp dựng nước của các đời Vua Hùng là sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi của người Việt. Đây là sự thật đã được lịch sử hiển hiện qua hàng trăm di chỉ, chứng cứ khác nhau. Chúng thể hiện qua các đồ đá, đồ đồng, đồ sắt với những chiếc cuốc đá, rìu sắt, lưỡi cày, liềm hái đồng thau. Đó là những minh chứng chứng minh cho thấy công lao của các vị vua Hùng Vương là to lớn đến nhường nào. Vì thế mà con cháu Đại Việt phải đời đời biết ơn.
Bên cạnh đó, một số câu chuyện cổ tích nổi tiếng mà chúng ta thường nghe nói có liên quan đến các vị vua Hùng Vương, như là sự tích Sơn Tinh – Thủy Tinh, sự tích Bánh chưng bánh dày, sự tích con Rồng cháu Tiên,… Từ những câu chuyện cổ tích trên mà nhân dân ta đã đúc kết ra thời kỳ Hùng Vương là thời đại mở đầu trong quá trình dựng nước, giữ nước. Đây cũng là là thời kỳ đặt nền móng của đất nước Việt Nam phát triển hùng cường như ngày nay.
Hoạt động giỗ tổ Hùng Vương
Từ thời phong kiến xa xưa, các vị vua trong lịch sử Việt Nam đã lập đền thờ các vị vua Hùng nhằm ghi nhớ công ơn xây dựng nước và giữ nước, tôn vinh thời kỳ khai thiên lập quốc của các vị vua Hùng Vương. Thời vua Lê Thánh Tông năm và thời vua Lê Kính Tông đã chọn ngày 11 và 12 của tháng 3 âm lịch làm ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Tuy nhiên đến thời nhà Nguyễn – năm Khải Định thứ 2 mới chính thức chọn mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Giỗ tổ Hùng Vương để tưởng nhớ công lao của các vị Vua Hùng. Bên cạnh đó còn là sự nhắc nhở con cháu Đại Việt về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã ban sắc lệnh số 22c/NV/CC ngày 18/02/1946 ấn định ngày Giỗ tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 âm lịch) được quy định là một trong những ngày kỷ niệm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đến năm 2007, Quốc Hội đã phê chuẩn sửa đổi Điều 73 của Luật Lao động, vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương thì người lao động sẽ được nghỉ không phải làm việc và được hưởng nguyên lương.
Đặc biệt đến năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 hằng năm từ đó đã trở thành một trong những ngày Quốc lễ của Việt Nam. Vào ngày này người dân từ khắp mọi miền đất nước lại hướng về vùng đất tổ ở xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ để tưởng nhớ công ơn của các vị Vua Hùng Vương.