37 phẩm trợ đạo hay “tam thập thất bồ đề phần” là tập hợp toàn bộ giáo pháp của đạo Phật để hướng dẫn người tu hành đạt đến trạng thái giác ngộ, đắc đạo. Một khi đã nắm rõ toàn bộ, người tu hành có thể nhận thức được chân lý, thoát khỏi bể khổ, phiền muộn.
Thế nào là 37 phẩm trợ đạo?
37 phẩm trợ đạo hay còn được biết tới dưới nhiều tên gọi như Tam thập thất đạo phẩm, Tam thập thất chủng bồ-đề phần pháp, Tam thập thất bồ-đề phần pháp, Tam thập thất giác chi, Tam thập thất đạo phẩm, Tam thập thất trợ đạo phẩm,… Đây là tập hợp 37 pháp môn nhằm hỗ trợ người tu hành trên con đường cầu đạo để đạt tới cảnh giới đắc đạo, thoát khỏi khổ đau, phiền muộn.
37 phẩm trợ đạo được chia ra làm 7 phần là:
– Tứ niệm xứ
– Tứ Như Ý Túc
– Tứ Chánh Cần
– Ngũ Căn
– Ngũ Lực
– Thất Bồ Đề phần
– Bát Chánh đạo
Nội dung cụ thể của 37 phẩm trợ đạo theo quan điểm Phật giáo
1. Tứ niệm xứ
Tứ niệm xứ hay còn gọi là tứ niệm trụ, ý chỉ về 4 phạm trù quan trọng nhất để người tu hành lưu ý trong quá trình tu tập của bản thân. Bốn phạm trù này bao gồm thân – thọ – tâm – pháp, theo như quan điểm của Phật giáo, khi người tu hành muốn thấu hiểu bất kỳ vấn đề gì thì đều cần phải dùng Quán niệm. Trong đó “Quán” là sử dụng trí tuệ để tư duy, thấu hiểu bản chất; còn “Niệm” là ghi nhớ, tập trung vào đối tượng cần quan sát. Chỉ khi nào vận dụng được Quán niệm sẽ giúp người tu hành ngăn chặn được các tạp niệm bên trong.
Quán niệm gắn liền với tứ niệm xứ cụ thể như sau:
– Quán Thân bao gồm sự tỉnh giác trong từng hơi thở, khi thở ra, thở vào, cũng như tỉnh giác trong bốn dạng cơ bản của thân (gồm đi, đứng, nằm, ngồi). Ngoài ra còn tỉnh giác trong mọi hoạt động của thân thể, quan sát 32 phần thân thể, quan sát yếu tố tạo thành thân cũng như quán tử thi.
– Quán Thọ là nhận biết rõ những cảm giác, cảm xúc dấy lên trong tâm, biết khi nào chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính, nhận biết chúng là thế gian hay xuất thế, biết tính vô thường của chúng.
– Quán Tâm là chú ý đến các ý nghĩ đang hiện hành trong đầu, biết nó là tham hay vô tham, sân hay vô sân, si hay vô si.
– Quán Pháp là biết rõ mọi pháp đều phụ thuộc lẫn nhau, đều Vô ngã, biết rõ Ngũ chướng có hiện hành hay không, biết rõ con người chỉ là Ngũ uẩn đang hoạt động, biết rõ gốc hiện hành của các pháp và hiểu rõ về Tứ diệu đế.
2. Tứ như ý túc
Tứ như ý túc bao gồm “Như ý” mang nghĩa là đạt được theo ý mình; còn “Túc” mang ý nghĩa cho sự sự đầy đủ. Vậy nên tứ như ý túc sẽ giúp người tu hành đạt được những gì mà mình mong muốn, cụ thể như sau:
– Dục như ý túc: Lòng tha thiết hoặc tập trung đạt được (Sự tha thiết mong được giải thoát khỏi luân hồi).
– Cần như ý túc: Tâm tinh tiến chuyên cần (Tinh thần kiên định, mạnh mẽ để đạt được sự giải thoát).
– Tâm như ý túc: Ghi khắc kỹ những cấp đã đạt được (Chuyên tâm vào mục đích tu luyện, ghi nhớ kỹ những gì đạt học để đạt thành công).
– Quán như ý túc: Thiền định, trạng thái thiền (Quan sát pháp mình đang tu luyện bằng trí tuệ sáng suốt để đạt trạng thái thiền định).
3. Tứ chánh cần
Tứ chánh cần là tập hợp 4 điều người tu hành cần có để loại trừ cái ác, khuyết điểm của bản thân trên con đường hành thiện, cụ thể như sau:
– Tinh tấn tránh làm các điều ác chưa sinh (ngăn chặn các việc ác chưa sinh ra).
– Tinh tấn vượt qua những điều ác đã sinh (không tái phạm, vượt qua được những điều ác đã sản sinh).
– Tinh tấn phát huy các điều thiện đã có, nhất là tu học Thất giác chi (luôn thực hành làm điều tốt).
– Tinh tấn làm cho các điều thiện phát sinh (thực hành làm điều tốt thêm phát sinh).
4. Ngũ căn
“Ngũ căn” là năm nền tảng căn bản nhằm phát sinh thiện pháp, là con đường đưa về chánh đạo, cụ thể bao gồm:
– Tín căn: Luôn tin tưởng tuyệt đối vào giáo lý Phật pháp. Niềm tin phải được xây dựng vững chắc từ trí tuệ, từ sự tìm tòi, học hỏi, phát triển.
– Tinh (tiến) căn: Luôn kiên trì, nỗ lực không ngừng trong việc tu hành để đạt được trạng thái giải thoát.
– Niệm căn: Luôn ghi nhớ đến những cách thức, phương tiện giúp bản thân diệt trừ được cái ác, sự phiền não, khổ đau, từ đó giúp đạt được sự giải thoát tốt nhất.
– Định căn: Luôn tập trung tu tập và thiền định, không để bất cứ thứ gì ảnh hưởng quá trình tập trung tu hành.
– Huệ căn: Luôn hiểu rõ các chân lý Phật giáo sau khi tiếp thu, tiêu trừ hết muộn phiền, lo âu, từ đó hình thành năng lực thiện pháp.
5. Ngũ lực
“Ngũ lực” là sức mạnh được sinh ra trong quá trình tu hành, giúp duy trì sự kiên định liên tục để đạt đến sự giải thoát. Ví dụ nếu coi ngũ căn là cánh tay thì ngũ lực chính là sức mạnh để giúp cánh tay hoạt động. Cụ thể ngũ lực sẽ bao gồm:
– Tín lực: Sức mạnh được sinh ra từ tín căn giúp tiêu diệt tà tâm.
– Tinh tấn lực: Sức mạnh được sinh ra từ tinh tấn căn, giúp loại bỏ sự lười biếng của bản thân.
– Niệm lực: Sức mạnh được sinh ra từ niệm căn, giúp giữ gìn chánh niệm bằng tứ niệm xứ, đồng thời loại bỏ được tất cả tà niệm.
– Định lực: Sức mạnh được sinh ra từ định căn, giúp loại bỏ phiền não, tiêu diệt những thứ không cần thiết trong quá trình tu hành.
– Huệ lực: Sức mạnh được sinh ra từ huệ căn, giúp bản thân giải thoát bằng việc loại bỏ quán ngộ Tứ đế, thành tựu trí tuệ.
6. Thất bồ đề phần
Thất bồ đề phần hay còn gọi là thất giác chi, là 7 phương tiện giúp chúng sanh có thể đạt đến trạng thái giải thoát, cụ thể bao gồm:
– Niệm: Sự tỉnh giác, tiêu diệt tất cả tà niệm, vọng tâm, đồng thời tâm luôn nghĩ đến chư Phật, chúng sanh mà tích cực làm điều thiện.
– Trạch pháp: Phân tích một cách rõ ràng, khách quan các pháp để phân biệt được thật giả, sai trái.
– Tinh tấn: Tâm mạnh mẽ, kiên trì, nỗ lực, cố gắng để đạt tới sự giải thoát.
– Hỉ: Tâm luôn hoan hỷ, tinh thần phấn chấn, thích thú trên con đường tu đạo, luôn vui vẻ với mọi người, không phân biệt bất kỳ ai.
– Khinh an: Tâm an tịnh, thư thái, nhẹ nhàng, không bị phiền não, cố chấp ảnh hưởng.
– Định: Sự tập trung trí tuệ kiên định để đạt đến sự giải thoát và giác ngộ.
– Xả: Thản nhiên, tự tại trước những nghịch cảnh, không câu chấp.
7. Bát chánh đạo
Bát chánh đạo là tập hợp 8 con đường giúp đưa chúng sanh đến với sự giải thoát, cụ thể như sau:
– Chánh chi kiến: Sự hiểu biết chân chính, nhận thức một cách chính xác, đúng đắn.
– Chánh tư duy: Suy nghĩ đúng đắn dựa trên cơ sở của chánh kiến, từ nhận thức ban đầu chánh kiến chúng ta phải có tư duy đúng đắn.
– Chánh ngữ: Hay còn gọi là lời nói chân chính. Từ tư duy đến ngôn ngữ, tư duy chân chính mới có thể nói chân chính, lợi ích; không nói những lời ác, lời tổn hại đến người khác.
– Chánh nghiệp: Tức là tạo nghiệp chân chính. Thông thường chúng ta có ba nghiệp ở nơi thân tâm này: Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.
– Chánh mạng: Tức là nuôi sống mạng sống của mình chân chính, không bằng những nghề nghiệp ác, nghề nghiệp tà.
– Chánh tinh tấn: Là sự nỗ lực, chăm chỉ một cách đúng đắn.
– Chánh niệm: Là sự suy nghĩ, nhớ nghĩ những điều đúng đắn.
– Chánh định: Là sự thiền định đúng đắn, giúp chú tâm, giảm phiền não, từ đó giúp trí tuệ trở nên sáng suốt.
Như vậy, có thể nói rằng 37 phẩm trợ đạo chính là sự chỉ dẫn, là con đường giúp người tu hành có thể đúng hướng trên con đường tu tập của bản thân để tìm tới sự giải thoát, có thể đến với Niết bàn.