Lê Đại Hành là một vị vua không chỉ có tài trị nước mà còn có công lớn trong việc đẩy lùi quân xâm lược phương Bắc, bảo toàn trọn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Nhờ đó đất nước Đại Cồ Việt ta mới hùng cường và phát triển rực rỡ đến ngày nay.
Tiểu sử Lê Đại Hành là ai?
Lê Đại Hành tên húy là Lê Hoàn, ông sinh ngày 10 tháng 8 năm 941 dương lịch tại Ái Châu, Thanh Hóa. Ông được biết đến là vị hoàng đế sáng lập ra nhà Tiền Lê, trị vì đất nước Đại Cồ Việt của chúng ta trong suốt 24 năm. Bên cạnh đó ông cũng đã được công nhận là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
Cha của Lê Hoàn tên là Lê Mịch, mẹ của ông tên là Đặng thị. Truyền thuyết xưa kể rằng, mẹ của ông khi mới có thai nằm chiêm bao thấy trong bụng nở ra hoa sen, chỉ trong chốc lát đã sinh ra Lê Hoàn. Mặc dù sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường, thế nhưng ngay từ khi còn nhỏ ông đã tỏ ra mình là một người có chí khí, tính tình phóng khoáng, hào sảng, được đánh giá là có thể làm được việc lớn sau này.
Sự nghiệp lãnh đạo của Lê Đại Hành
Sau này khi lớn lên, Lê Hoàn đi theo phò tá Nam Việt Vương Đinh Liễn, được Đinh Bộ Lĩnh khen ngợi là người có trí dũng, giao cho cai quản 1.000 binh sĩ. Ông đã chứng tỏ xuất sắc khả năng lãnh đạo của mình, góp phần giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, lấy niên hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt và bắt đầu quá trình phát triển đất nước.
Tuy nhiên đến tháng 10 năm 979, một hoạn quan tên Đỗ Thích đã tạo phản và giết hại Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn ngay trong cung. Do đó Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền cùng với Lê Hoàn đã rước Vệ vương Đinh Toàn lên ngôi hoàng đế khi chỉ mới 6 tuổi, và tôn mẹ của Đinh Toàn là Dương Vân Nga làm Hoàng thái hậu. Lê Hoàn làm nhiếp chính hỗ trợ nhà vua còn non trẻ cai quản đất nước.
Một thời gian sau Nguyễn Bặc, Đinh Điền và Phạm Hạp nghi ngờ Lê Hoàn thao túng nhà vua, lũng đoạn triều chính. Do đó 3 người này tập hợp quân đội, tiến về Hoa Lư để tiêu diệt ông. Lê Hoàn thấy vậy đã chỉnh đốn quân đội, lần lượt đập tan đạo quân và giết chết những kẻ phản loạn, bắt sống Phạm Hạp mang về kinh sư. Từ đó ông trở thành người nắm quyền lực cao nhất, chỉ đứng sau Hoàng đế mà thôi.
Lê Đại Hành lãnh đạo cuộc chiến chống lại nhà Tống
Tháng 6 năm 980, Tri châu Ung của nhà Tống tên là Thái thường Bác sĩ Hầu Nhân Bảo dâng thư để khuyên hoàng đế nhà Tống khi đó là Tống Thái Tông nên lựa thời cơ nước Nam đang rối ren chính sự, vua còn nhỏ tuổi, đem quân chinh phạt. Vua Tống cảm thấy thuận tình nên nghe theo, chuẩn bị binh lực tấn công Đại Việt.
Tháng 7 năm 980, nhà Tống lấy Hầu Nhân Bảo làm Giao châu lục lộ thủy lộ Chuyển vận sứ, Lan Lãng đoàn luyện sứ Tôn Toàn Hưng, Bất tác sứ Hác Thủ Tuấn, Yên bi khổ sứ Trần Khâm Tộ, Tả giám môn tướng quân Thôi Lượng làm Ung Châu Lộ binh mã Bộ thư, Ninh Châu Thứ sử Lưu Trừng, Quân khi khố Phó sứ Giả Thực, Cung phụng quan Cáp môn chi hậu Vương Soạn làm Quảng Châu Lộ binh mã Đô bộ thư, họp quân cả bốn hướng, hẹn ngày cùng sang chinh phạt Đại Việt.
Lê Hoàn nhận tin nhà Tống chuẩn bị đem quân sang thảo phạt đất nước. Ông liền chuẩn bị binh sĩ, lập Phạm Cự Lạng làm đại tướng quân, chỉnh đốn lại mọi thứ trước khi đón đầu quân địch. Thế nhưng Phạm Cự Lạng cùng với nhiều viên tướng khác đã thống nhất suy tôn Lê Hoàn nên làm người lãnh đạo đất nước thay cho vị vua chỉ mới 6 tuổi. Thái hậu Dương Vân Nga thấy mọi người đồng lòng thuận theo Lê Hoàn, liền lấy long bào khoác lên người ông, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó ông chính thức lên ngôi vào năm 980, đổi niên hiệu là Thiên Phúc, tự xưng là Lê Đại Hành, giáng vị vua Đinh Toàn 6 tuổi xuống làm Vệ vương.
Tháng 8 năm 980, vua Tống xuống chiếu đem quân Tống đi xâm lược Đại Cồ Việt, sai Lư Đa Tốn mang thư sang. Tháng 10 cùng năm, vua Lê Đại Hành sắp sửa phát binh, sai Nha hiệu là Giang Cự Vọng, Vương Thiệu Tộ đưa thư sang Tống giả làm thư của Vệ vương Đinh Toàn thỉnh cầu Lê Hoàn nối ngôi cha, ban cho mệnh lệnh chính thức. Điều này là để muốn hoãn binh nhà Tống, chờ đợi những bước đi tiếp theo, giúp quân ta có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Tuy nhiên nhà Tống cho rằng Lê Hoàn chiếm ngôi vua, liền lấy cớ mang quân sang chinh phạt để trả lại ngôi vua cho Đinh Toàn, đồng thời cũng để tiêu diệt tất cả các mối nguy có thể đe dọa đến sự bành trướng của nhà Tống trong tương lai. Mùa thu năm 980, quân Tống khởi hành sang Đại Việt, tiếp đó đến tháng 12 năm 980, quân Tống đã công phá được hơn 1 vạn quân ta.
Thấy tình hình không ổn, vua Lê Đại Hành đích thân làm đại tướng, đứng ra lãnh đạo quân đội kháng chiến. Ông cho quân đóng cọc để ngăn sông Chi Lăng, xây dựng tòa thành tên là Bình Lỗ để ngăn cản quân Tống xâm lược sâu hơn. Mùa hè năm 981, quân Tống giao chiến với quân của Lê Hoàn, chúng đã chém được hơn 1000 người, bắt được hơn 200 thuyền chiến của quân ta.
Vua Lê Đại Hành dùng kế giả đầu hàng, khiến quân Tống tưởng thật mà sơ hở, tướng quân bên địch lộ diện bị lọt vào mai phục của quân ta, bị bắt rồi đem chém. Quân địch còn lại khi mất chủ tướng liền như ong vỡ tổ, tháo chạy về phía Bắc. Vua Lê Đại Hành thừa thắng xông lên, truy cùng giết tận, giết được quá nửa số quân địch bỏ chạy, bắt sống tướng địch là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đưa về Hoa Lư, kết thúc chiến tranh.
Sau khi ổn định lại đất nước sau chiến tranh, vua Lê Đại Hành đã khôn khéo mang quà gửi cho vua Tống để tạ lỗi. Vua Tống tức giận nhưng không làm gì được, đành phải xuống chiếu rút quân về hoàn toàn, cho giết tất cả những viên tướng vô dụng.
Cuộc chiến với Chiêm Thành ở phía Nam
Trong khi vua Lê Đại Hành đang bận rộn ở chiến trường phía Bắc để đẩy lùi quân Tống, thì ở phía Nam vua Chiêm Thành lại đang nhăm nhe xâm lược nước ta để chiếm đất. Sau khi lập lại hòa bình ở phía Bắc, vua Lê Đại Hành đã chuẩn bị quân lực để chiến đấu với quân Chiêm Thành ở phía Nam.
Năm 982, Lê Hoàn cử Ngô Tử Canh và Từ Mục đi sứ Chiêm Thành để cầu hòa, thế nhưng lại bị vua Chiêm bắt giữ. Ông vô cùng tức giận, liền sai đóng chiến thuyền, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh. Vua Chiêm đích thân ra trận nhưng bị đánh cho tơi bời, bản thân bị bắt sống và chém chết tại chỗ. Quân Chiêm Thành thua lớn, bị bắt sống quân lính vô số kể, thành trì bị phá hủy hoàn toàn.
Sau này vào năm 990, vua Lê Đại Hành tiếp tục mang quân đi đánh Chiêm Thành, đoạt nhiều của cải, đất đai, bắt giữ nhiều quân địch. Đến năm 995 và 997, quân Chiêm Thành kéo sang đánh phá biên giới nước ta, bị vua Lê Đại Hành đánh cho tan tác.
Những thành tựu dưới thời vua Lê Đại Hành đạt được
1. Về bộ máy chính quyền
Dưới triều nhà Đinh trước kia, vua Đinh Tiên Hoàng chia nước làm mười đạo. Thì đến đời vua Lê Đại Hành đổi lại lộ, phủ, châu. Ông vẫn cho đóng đô ở Hoa Lư, phong quân sư người Tống là Hồng Hiến làm Thái sư, Phạm Cự Lạng làm thái úy, Từ Mục làm Đại Tổng quản tri quân dân, Đinh Thừa Chính làm Nha nội Đô Chỉ huy sứ. Ông còn ban cho những người con của mình các trấn để cai quản.
2. Về quân sự
Vào năm 986, vua Lê Đại Hành đặt binh Túc vệ, gọi là Thân quân, trên trán đều thích chữ “Thiên Tử Quân”. Đến năm 988, định ngũ quân, chia tướng hiệu làm hai ban, tích cực huấn luyện quân đội để đối phó thù trong, giặc ngoài.
Ngoài cuộc chiến với nhà Tống và Chiêm Thành, quân đội của vua Lê Đại Hành còn trải qua nhiều cuộc chiến với nhà Tống và một số cuộc chiến trong nước khác. Tất cả đều thành công, khiến đâu đâu cũng phải sợ hãi trước binh lực của nước Đại Việt.
3. Về kinh tế
Vua Lê Đại Hành đã cho xây dựng nhiều công trình, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp để chấn hưng nền kinh tế đất nước. Ông là vị vua đầu tiên cho ra đời lễ Tịch điền nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Đây là nghi lễ mở đầu cho các lễ nghi trọng đại khác mà các vương triều phong kiến Việt Nam về sau tiếp tục noi theo để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Ông cũng là vị vua đầu tiên tổ chức đào sông, tổ chức hệ thống thủy lợi, khai phá nhiều vùng đất mới, giúp người dân an cư lạc nghiệp, ổn định kinh tế.
Cái chết của vua Lê Đại Hành
Mùa xuân, ngày 8 tháng 3 âm lịch năm Ất Tỵ (tức ngày 18 tháng 4 năm 1005 dương lịch), Lê Hoàn mất ở điện Trường Xuân, sau được gọi là Đại Hành Hoàng Đế, rồi nhân đó dùng làm miếu hiệu không đổi, triều đình cho chôn cất ở sơn lăng châu Trường Yên. Đền thờ vua Lê Đại Hành ngày nay được đặt ở Hoa Lư, Ninh Bình. Sau khi ông qua đời, những người con trai còn lại tranh giành nhau ngôi báu, khiến suốt 8 tháng nhà nước Đại Việt không có chủ.