Đại tướng Hoàng Văn Thái là tư lệnh quân đội, một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất và có công lao vô cùng to lớn trong sự nghiệp đấu tranh chống lại thực dân Pháp.
Tiểu sử đại tướng Hoàng Văn Thái
Đại tướng Hoàng Văn Thái có tên khai sinh là Hoàng Văn Xiêm, sinh ngày 1 tháng 5 năm 1915. Ông được biết đến với vai trò là Đại tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam và là một trong những tướng lĩnh có tầm ảnh hưởng quan trọng trong việc hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, ông cũng là người có công lao vô cùng to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đại tướng Hoàng Văn Thái còn là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, đóng góp công lao rất quan trọng trong nhiều chiến dịch của đất nước như Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), chiến dịch năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông cũng từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VII, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, IV, V,…
Đại tướng Hoàng Văn Thái sinh ra và lớn lên tại làng An Khang, Đại Hoàng (nay thuộc thị trấn Tiền Hải), huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cha của ông là cụ Hoàng Văn Thuật, từng đảm nhiệm chức vụ Tổng sư của tổng Đại Hoàng. Ngay từ thuở nhỏ, ông đã được cho ăn học đàng hoàng, tốt nghiệp tiểu học loại ưu. Tuy nhiên do gia cảnh khó khăn nên ông đã bỏ học khi mới 13 tuổi, đi làm thuê rồi làm thợ cắt tóc. Đến năm 15 tuổi, khi chứng kiến nhân dân nổi dậy đấu tranh giành chính quyền trong phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh, ông hăng hái tham gia và bắt đầu chịu ảnh hưởng tư tưởng của Đảng Cộng Sản.
Đại tướng Hoàng Văn Thái và quá trình hoạt động cách mạng
1. Những năm tháng đầu tiên
Vào năm 18 tuổi, đại tướng Hoàng Văn Thái đi làm thợ mỏ than ở Hồng Gai (Quảng Ninh), sau đó làm thợ mỏ tại mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng). Tại đây, ông đã được những người bạn đồng nghiệp giới thiệu về Chủ nghĩa Cộng sản. Nhờ tham gia các hoạt động bãi công và chống lại sự bóc lột của chủ mỏ, ông bị đuổi việc và trở về quê nhà vào năm 1936.
Vào thời gian đó, phong trào Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương đang diễn ra mạnh mẽ. Đại tướng Hoàng Văn Thái đã vận động các thanh niên trong làng thành lập Đoàn Thanh niên Dân chủ, tổ chức các hội ở địa phương. Chỉ sau vài tháng, số lượng học viên trong làng phát triển nhanh chóng, đạt đến gần 200 hội viên. Bên cạnh đó, ông cùng các bạn của mình bí mật rải truyền đơn, vận động nhân dân chống sưu cao thuế nặng, chống bắt phu bắt lính, đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ. Vì những hoạt động tích cực của mình, ông đã được chú ý đến và được giới thiệu kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 3 năm 1938.
Tháng 4 năm 1938, Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương sụp đổ. Những người hoạt động trong phong trào đều bị truy bắt gắt gao hoặc phải rút vào hoạt động bí mật. Mãi đến tháng 9 năm 1940, do bị kẻ gian chỉ điểm, đại tướng Hoàng Văn Thái bị chính quyền thực dân Pháp bắt giữ và áp giải về phủ Kiến Xương giam lỏng. Lợi dụng việc bảo lãnh tại ngoại chờ ngày xét xử, ông được tổ chức bố trí bí mật thoát ly ra khỏi địa phương, rút về hoạt động cách mạng ở vùng Hiệp Hòa, Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang).
Tháng 3 năm 1941, ông được cử lên Bắc Sơn (Lạng Sơn) để tăng cường cho Đội du kích Bắc Sơn và tới tháng 4 năm 1941, ông đã được phân công làm chỉ huy một tiểu đội du kích của Bắc Sơn. Ngày 19 tháng 5 năm 1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh được thành lập. Đội du kích Bắc Sơn được đổi tên thành Trung đội Cứu quốc quân thứ nhất. Để tăng cường lực lượng chỉ huy, vào tháng 9 năm 1941, đại tướng Hoàng Văn Thái lấy bí danh là Quốc Bình và được cử đi học tại trường Quân sự Liễu Châu, Trung Quốc.
Cuối năm 1943, đại tướng Hoàng Văn Thái đã đã trực tiếp gặp gỡ lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh, bấy giờ người mới vừa được Tưởng Giới Thạch trả lại tự do. Cuối tháng 9 năm 1944, khi chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Việt Nam, sau đó một tháng, ông cũng về nước với bí danh mới chính thức là Hoàng Văn Thái, là cái tên đi theo ông cho đến hết cuộc đời.
Kể từ khi về nước, ông đã tích cực tham gia nhiều phong trào cách mạng của tổ chức và thu được nhiều thành quả tốt đẹp. Ông đã hỗ trợ Việt Minh rất nhiều trong việc giành được chính quyền khỏi tay phát xít Nhật trong cuộc cách mạng tháng Tám lịch sử vào năm 1945.
2. Xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh
Sau chiến thắng Cách mạng tháng Tám, đại tướng Hoàng Văn Thái được chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho giữ chức Tham mưu trưởng của bộ tham mưu mới được thành lập. Điều này khiến cho ông đã trở thành vị Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi chỉ mới 30 tuổi.
Trên cương vị mới này, đại tướng đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng cơ quan tham mưu chiến lược của quân đội nhân dân Việt Nam, phát triển và dần hoàn thiện lực lượng quân đội để giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo tác chiến và ngày càng vững mạnh hơn. Những ý kiến chỉ đạo của ông đã góp phần quan trọng vào chiến thắng Hà Nội 60 ngày đêm lịch sử.
3. Đảm nhận vị trí tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam
Ngày 2 tháng 3 năm 1946, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Cơ quan quản lý quân sự là Bộ Quốc phòng được tổ chức gồm Văn phòng và 10 Cục chuyên môn, do ông Phan Anh làm Bộ trưởng. Cơ quan chỉ huy quân sự là Ủy ban Kháng chiến toàn quốc được đổi tên thành Toàn quốc kháng chiến Ủy viên hội, gọi tắt là Quân ủy hội, do đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch. Đại tướng Hoàng Văn Thái khi này được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Tổng Tham mưu trưởng. Bộ tham mưu ban đầu được đổi lại thành Bộ Tổng tham mưu, trực thuộc Quân ủy hội.
Ngày 22 tháng 5 năm 1946, Vệ quốc đoàn được đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam, chính thức trở thành quân đội chính quy, được đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu do đại tướng Hoàng Văn Thái lãnh đạo. Trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia Việt Nam, ông đã chỉ đạo công tác tổ chức thống nhất biên chế quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang dân quân ở nông thôn và tự vệ, chuẩn bị cho chiến tranh. Đến cuối năm 1946, đã có khoảng 1 triệu dân quân tự vệ đã được tổ chức và huấn luyện quân sự, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Ngày 20 tháng 1 năm 1948, Hoàng Văn Thái được thụ phong hàm Thiếu tướng, khiến cho ông trở thành một trong số những vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những vị tướng quân đội quan trọng khác. Ông vẫn giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
4. Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ
Sau khi quân Pháp đầu hàng tại chiến dịch Điện Biên Phủ, vào tháng 7 năm 1954, đại tướng Hoàng Văn Thái được triệu tập về Việt Bắc để đảm nhận chức vụ Tổng Tham mưu trưởng thay cho đại tướng Văn Tiến Dũng khi đó chuyển sang nhận nhiệm vụ Trưởng Đoàn Đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam tham dự Hội nghị Trung Giã. Ông đã giữ nhiệm vụ này cho đến hết năm 1954, đến khi đại tướng Văn Tiến Dũng thôi làm Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban liên hiệp đình chiến trung ương và trở lại chức vụ Tổng Tham mưu trưởng.
Ngày 31 tháng 8 năm 1959, Hoàng Văn Thái được thăng quân hàm Trung tướng. Năm 1960, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, được phân công kiêm thêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao đầu tiên của Chính phủ Việt Nam. Đến năm 1961, ông được cử đi học ở Học viện quân sự cấp cao Bắc Kinh (Trung Quốc).
Tháng 3 năm 1965, quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, đánh dấu sự kiện khởi đầu của chiến lược Chiến tranh cục bộ tại miền Nam Việt Nam. Đánh giá mức độ nghiêm trọng của việc này, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định cử đại tướng Hoàng Văn Thái nắm giữ địa bàn sát cận giới tuyến là Quân khu V vào tháng 8 năm 1966. Ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu V.
Với những kinh nghiệm tích lũy được tại Quân khu V, vào năm 1967, sau khi Mỹ tăng cường số quân tại miền Nam Việt Nam lên gấp nhiều lần, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định cử đại tướng Hoàng Văn Thái vào miền Nam giữ chức Phó Bí thư Trung ương Cục, Phó Bí thư Quân Ủy Miền, kiêm Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam với bí danh Mười Khang.
Trong giai đoạn này, ông là người chỉ đạo và chỉ huy trực tiếp lực lượng Quân Giải phóng miền Nam trong nhiều chiến dịch quan trọng như sự kiện Tết Mậu Thân, cũng như Chiến dịch Xuân hè năm 1972, ông là người chỉ huy chính và trực tiếp tại chiến trường miền Nam trong toàn bộ thời gian quân đội Mỹ tham chiến.
Sau khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, vào tháng 1 năm 1974, đại tướng Hoàng Văn Thái được triệu hồi ra miền Bắc nhận chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Phó Tổng Tham mưu trưởng Thứ nhất, Ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương. Vào tháng 4 cùng năm, ông được thăng quân hàm Thượng tướng. Năm 1976, ông được giao thêm công việc của một thứ trưởng thường trực là kiêm nhiệm Phó chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch nhà nước.
Sau năm 1975, đại tướng Hoàng Văn Thái vẫn tiếp tục giữ vai trò Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Phó Tổng Tham mưu trưởng Thứ nhất, Ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1980, ông được phong quân hàm Đại tướng, được phân công công tác chỉ đạo tổng kết chiến tranh, chỉ đạo công tác nhà trường quân đội và công tác tổ chức cán bộ.
Đại tướng Hoàng Văn Thái qua đời
Vào 5 giờ 7 phút sáng ngày 2 tháng 7 năm 1986, đại tướng Hoàng Văn Thái đột ngột qua đời sau một cơn đau tim tại Quân y viện 108, hưởng thọ 71 tuổi. Sau khi mất, ông được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Gia đình của đại tướng Hoàng Văn Thái
Đại tướng Hoàng Văn Thái có hai người vợ, người vợ đầu tiên là bà Lương Thanh Bình, người xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, cùng tham gia hoạt động cách mạng với ông tại địa phương từ năm 1939. Ông bà kết hôn vào năm 1939. Giữa năm 1940, ông bị Pháp bắt giữ nhưng nhờ sự giúp đỡ của bà Bình mới trốn thoát được. Ông bà thất lạc nhau mãi đến đầu năm 1946 mới tìm được thông tin. Về sau, bà Bình làm cán bộ Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông bà có với nhau tổng cộng là 2 người con, hiện đều đang là Thượng tá quân đội nhân dân Việt Nam.
Người vợ thứ hai của đại tướng Hoàng Văn Thái là bà Đàm Thị Loan, từng giữ chức vụ Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Bà là người dân tộc Tày, một trong ba nữ chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân lúc mới thành lập và cũng là một trong hai người kéo cờ trong Lễ Độc lập tổ chức tại Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945. Ông bà lấy nhau vào ngày 15 tháng 9 năm 1945 và sinh được tổng cộng 6 người con.