Tiểu sử đại tướng Lê Trọng Tấn

Tiểu sử đại tướng Lê Trọng Tấn – Vị anh hùng của lực lượng vũ trang Việt Nam

Đại tướng Lê Trọng Tấn là một trong những vị tướng lĩnh xuất sắc nhất của quân đội nhân dân Việt Nam. Tài năng quân sự của ông đã được nhiều tướng lĩnh khác công nhận, trong đó có cả đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tiểu sử đại tướng Lê Trọng Tấn

Đại tướng Lê Trọng Tấn có tên thật là Lê Trọng Tố, sinh ngày 1 tháng 10 năm 1914, tại làng Nghĩa Lộ, thôn An Định (cũ), xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội). Ông được biết đến với vai trò là một Đại tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông từng là Viện trưởng Học viện Quân sự Cao cấp, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam.

Tiểu sử đại tướng Lê Trọng Tấn

Đại tướng Lê Trọng Tấn là hậu duệ của dòng chúa Trịnh Căn. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, có cha là cụ Đồ Lê, người đã từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Vậy nên ngay từ thuở nhỏ, ông đã được cha mẹ cho ăn học đàng hoàng để có kiến thức mà phát triển bản thân sau này.

Đại tướng Lê Trọng Tấn từng theo học trường Bưởi tại Hà Nội. Vốn học giỏi, lại say mê võ nghệ và bóng đá, cho nên ông từng tham gia đội bóng Eclair ở vị trí tiền vệ. Do thành tích bóng đá xuất sắc nên ông đã được tuyển mộ vào đội bóng đá của không quân Pháp và được xét nhập ngũ vào lực lượng lính khố đỏ, phục vụ tại đơn vị đồn trú gần sân bay Tông (Sơn Tây) của Pháp.

Sau này ông đã được một số chiến sĩ cộng sản thuyết phục và giác ngộ tư tưởng thành công, giúp ông tham gia tổ chức Việt Minh, trở thành cánh tay đắc lực cho Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tham gia Việt Minh kể từ năm 1944 và là ủy viên quân sự Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh Hà Đông từ tháng 8 năm 1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.

Quá trình tham gia cách mạng của đại tướng Lê Trọng Tấn

Năm 1944, đại tướng Lê Trọng Tấn tham gia tổ chức Việt Minh và làm công tác binh vận ở Bạch Mai, Hà Nội.

Tháng 6 năm 1945, ông cùng một số đồng chí tiêu diệt đồn Đông Quan của Pháp, sau đó ông được cử làm Ủy viên phụ trách quân sự trong Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh Hà Đông và tham gia chỉ đạo để giành lại chính quyền tỉnh.

Tiểu sử đại tướng Lê Trọng Tấn

Khi Chiến tranh Đông Dương bùng nổ vào năm 1946, đại tướng Lê Trọng Tấn tham gia công tác quân sự. Trong giai đoạn từ năm 1945 đến 1950, ông là trung đoàn phó rồi trung đoàn trưởng các trung đoàn: Sơn La, Sơn Tây, quyền khu trưởng Khu XIV, khu phó của Liên khu X. 

Khi Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập các đại đoàn chủ lực, ông trở thành Đại đoàn trưởng đầu tiên của đại đoàn 312 – Đại đoàn Chiến thắng (nay là Sư đoàn) ở tuổi 36. Trong trận Điện Biên Phủ, đại đoàn 312 do đại tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy đã đánh trận mở màn vào cao điểm Him Lam (13 tháng 3 năm 1954) và kết thúc chiến dịch vào ngày 7 tháng 5 năm 1954, bắt sống tướng Christian de Castries và ban chỉ huy tập đoàn cứ điểm.

Từ tháng 12 năm 1954 đến năm 1960, ông là Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân. Năm 1959, ông đã được phong quân hàm Đại tá.

Từ tháng 3 năm 1961 đến năm 1969, đại tướng Lê Trọng Tấn là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1964, tướng Lê Trọng Tấn nhận nhiệm vụ Phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Uỷ viên Quân uỷ Miền với bí danh “Ba Long”. Ông chính là một trong những người tham gia tổ chức chiến dịch Mậu Thân 1968 cùng với đại tướng Hoàng Văn Thái.

Từ năm 1970 đến 1979, ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Tư lệnh Mặt trận Đường 9, đặc phái viên Bộ tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Bộ chỉ huy Quân giải phóng nhân dân Lào, tham gia chỉ đạo chiến dịch Cánh Đồng Chum.

Năm 1972, đại tướng Lê Trọng Tấn được cử làm Tư lệnh Chiến dịch Trị Thiên. Năm 1973, ông trở thành Phó Tổng Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Quân đoàn I Quyết thắng, quân đoàn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tiểu sử đại tướng Lê Trọng Tấn

Tháng 3 năm 1975, ông làm Tư lệnh Chiến dịch Huế – Đà Nẵng. Tháng 4 cùng năm, ông được cử làm Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân phía đông (gồm quân đoàn 2, quân đoàn 4, sư đoàn 3) tấn công vào Sài Gòn. Chính Lữ đoàn xe tăng 203, quân đoàn 2 thuộc cánh quân của ông đã tiến vào dinh Độc Lập đầu tiên.

Từ năm 1976 đến tháng 2 năm 1977, đại tướng Lê Trọng Tấn là Phó Tổng Tham mưu trưởng kiêm Viện trưởng Học viện quân sự cao cấp.

Từ tháng 12 năm 1978 đến tháng 2 năm 1979, ông chỉ huy các lực lượng vũ trang trong chiến tranh biên giới Tây Nam và đánh quân Khmer Đỏ của Pol Pot ở Campuchia.

Từ năm 1980 đến năm 1986, đại tướng Lê Trọng Tấn là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1984, Bộ Chính trị chỉ định ông làm Uỷ viên Hội đồng Quân sự Bộ Quốc phòng. Ông là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IV và V (từ 1976 đến 1986), đại biểu Quốc hội khóa VII.

Tiểu sử đại tướng Lê Trọng Tấn

Đại tướng Lê Trọng Tấn qua đời

Đại tướng Lê Trọng Tấn không may qua đời vì một cơn đột quỵ vào ngày 5 tháng 12 năm 1986 tại Hà Nội, thời điểm ngay trước khi Đại hội lần thứ VI của Đảng diễn ra, khi mà nhiều người dự đoán rằng ông sẽ được nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ quốc phòng.

Đại tướng Lê Trọng Tấn đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng các danh hiệu cao quý như:

– Huân chương Sao vàng

– Huân chương Hồ Chí Minh

– 2 Huân chương Quân công hạng nhất

– Huân chương Chiến thắng hạng nhất

– Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều huân, huy chương khác.

Tiểu sử đại tướng Lê Trọng Tấn

Viết một bình luận