Lê Thái Tổ là người đã đứng lên dựng cờ khởi nghĩa tại Lam Sơn – Thanh Hóa để chống lại sự áp bức và xâm lược của nhà Minh sau khi triều đại nhà Trần sụp đổ, giúp tái thiết lại đất nước. Ông còn được xem như vị anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự và là một vị vua với tấm lòng nhân ái.
Tiểu sử Lê Thái Tổ là ai?
Lê Thái Tổ có húy danh là Lê Lợi, ông sinh ngày 10 tháng 9 năm 1385 dương lịch trong một gia đình giàu có ở Thanh Hóa. Trong suốt thời kỳ niên thiếu đến khi trưởng thành là quãng thời gian Lê Lợi chứng kiến cảnh triều đại nhà Trần sụp đổ, Hồ Quý Ly lên ngôi nhưng không thể bảo vệ được đất nước, dẫn đến nước mất, nhà tan, nhà Minh của Trung Quốc áp bức và đô hộ Đại Việt.
Lê Lợi được biết đến là một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc. Ông đã dựng cờ khởi nghĩa ngay tại vùng đất quê nhà Lam Sơn – Thanh Hóa, lãnh đạo quân đội chống lại sự xâm lược của nhà Minh, tái thiết lại đất nước, lập nên triều đại nhà Hậu Lê trị vì xuyên suốt 355 năm, là một trong những triều đại phong kiến lâu dài nhất Việt Nam.
Lê Thái Tổ dựng cờ khởi nghĩa
Lê Lợi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều thế hệ làm quân trưởng sản xuất ở Thanh Hóa, vô cùng giàu có và thế lực. Tuy nhiên nhiều thế hệ gia đình của ông lại là những người vô cùng thương dân và yêu nước. Vậy nên Lê Lợi được giáo dục trong một môi trường lành mạnh, đã nuôi dưỡng ý chí cứu nước, giải phóng dân tộc bên trong ông.
Lê Lợi thời niên thiếu khôi ngô tuấn tú khác thường, khi trưởng thành có thần sắc tinh anh của một vị đế vương như mắt sáng, mũi cao, miệng rộng, dáng đi tựa rồng, trên vai có nốt ruồi, tiếng nói hào sảng và đanh thép. Nhiều người nhận định chắc chắn sau này ông sẽ làm được việc lớn, giúp dân tộc Đại Việt có thể thoát khỏi áp bức và đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi.
Khi Lê Lợi lên 16 tuổi, nhà Trần sụp đổ với sự truất ngôi của Hồ Quý Ly, lập nên triều đại nhà Hồ. Tuy nhiên nhà Hồ cũng không tồn tại được quá lâu, bị nhà Minh của Trung Quốc thôn tính, bản thân Hồ Quý Ly và con trai đều bị bắt sang Trung Quốc. Chính vì thế mà đất nước khi đó không có vua, khắp nơi loạn lạc, lầm than, tạo điều kiện dễ dàng cho ngoại bang xâm lược và đô hộ. Đại Việt bị nhà Minh cai trị trong suốt 20 năm.
Khi nhà Minh cai trị, chúng đã xóa bỏ rất nhiều tập tục, nghi lễ và văn minh lâu đời của nhân dân ta tồn tại suốt từ thời nhà Lý. Ngoài ra chúng còn thi hành nhiều chính sách hà khắc, ngặt nghèo, đốt sách vở, tăng sưu thuế, chia cả nước thành nhiều thành, trấn để dễ bề cai trị và dập tắt nổi loạn. Chứng kiến những điều đó đã khiến cho Lê Lợi ngày càng căm hận nhà Minh, quyết tâm đánh đuổi chúng bằng được ra khỏi bờ cõi.
Năm 1416, Lê Lợi đã cùng với 18 người khác tham gia vào hội thề Lũng Nhai, nguyện quyết tâm đánh đuổi bằng được nhà Minh ra khỏi bờ cõi nước ta. Do bị nhiều kẻ tiểu nhân ghen ghét, tố cáo với nhà Minh rằng Lê Lợi có ý định chống đối, vậy nên ông đã quyết định dấy binh khởi nghĩa. Ông tự xưng là Bình Định Vương, phát ra bài hịch nhằm kêu gọi nhân dân từ khắp nơi đứng lên khởi nghĩa. Thời kỳ hoạt động ban đầu của nghĩa quân chủ yếu ở Thanh Hóa.
Các chiến dịch khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn chống lại nhà Minh
1. Thời kỳ đầu tại Thanh Hóa
Trong thời gian đầu, lực lượng nghĩa quân của quân Lam Sơn chỉ có vài ngàn người, lương thực thì thiếu thốn, thường chỉ thắng được một vài trận nhỏ và hay bị quân Minh đánh bại. Trong suốt 5 năm từ năm 1418 đến năm 1423, nghĩa quân đã có 18 lần chạm trán với quân nhà Minh. Ngày 9 tháng 1 âm lịch năm 1418, tướng nhà Minh là Mã Kỳ dẫn đại quân đánh vào Lam Sơn. Lê Lợi rút quân tới Lạc Thủy, tại đây ông bố trí cho quân mai phục để chờ địch. Khi quân của Mã Kỳ tới vào ngày 13 tháng 1, Lê Lợi sai quân mai phục đổ ra đánh, giết được rất nhiều địch, thu về nhiều trang bị và khí giới. Sau đó ông cho nghĩa quân rút về núi Chí Linh.
Cuối tháng 1 năm 1418 âm lịch, nghĩa quân Lam Sơn bị thua trận ở Mường Một, chạy thoát về Trịnh Cao, quân Minh đuổi theo vây chặt các lối hiểm yếu. Trước tình thế nguy cấp, Lê Lai đã anh dũng đóng giả làm Lê Lợi, dẫn một nhóm quân nhỏ tiến ra đánh nhau với địch để Lê Lợi có thể chạy thoát. Năm 1419, tận dụng thời cơ quân Minh lui quân vì tưởng Lê Lợi đã chết, ông liền tiến hành xây dựng thành lũy, sửa sang chiến cụ và động viên sĩ khí quân đội.
Tháng 10 năm 1420 âm lịch, quân Minh biết rằng Lê Lợi vẫn còn sống liền đem quân tiến đánh nghĩa quân Lam Sơn, Lê Lợi liền cho quân mai phục ở bến Bổng, đánh thắng quân địch và thu về hơn 100 con ngựa. Quân Minh tiếp tục kéo 10 vạn đại quân tới, nhưng bị quân Lam Sơn mai phục và đánh du kích, thiệt hại không nhỏ. Tướng địch là Lý Bân và Phương Chính chỉ chạy thoát được bản thân, toàn quân địch tan rã, nhờ đó nghĩa quân Lam Sơn mới yên tâm đẩy mạnh tiến công, lập phòng tuyến ở Lỗi Giang, tiến hành mộ binh để tăng cường lực lượng.
Tháng 2 năm 1422 âm lịch, viên tướng nhà Minh là Lý Bân bị bệnh nặng mà chết. Tháng 12 năm 1422 âm lịch, quân Minh liên thủ với quân Ai Lao tiến đánh nghĩa quân Lam Sơn ở Trại Quan Du. Do bị đánh cả hai mặt, nghĩa quân bị chết và bị thương rất nhiều người. Lê Lợi vì thế mà rút quân về Sách Khôi, khích lệ sĩ khí toàn quân để phản công khi quân Minh và Ai Lao tới. Nhờ đó mà quân Minh vỡ trận, quân Ai Lao tử thương vô số. Nghĩa quân lại thu về rất nhiều ngựa và trang bị, vũ khí.
Sau trận Sách Khôi, Lê Lợi thu quân về núi Chí Linh, do nghĩa quân bị thiếu lương thực, nhiều người nản chí bỏ trốn. Vì thế Lê Lợi đành chấp thuận hòa hoãn với quân địch nhằm ổn định quân đội. Ngày 14 tháng 4 năm 1423 âm lịch, Lê Lợi lui quân về Lam Sơn, quân Minh thấy vậy liền mang lương thực, trang bị đến tặng quà, Lê Lợi mang vàng ra tặng lại để bồi đáp. Quân Minh thấy vậy nghĩ rằng không thể khuất phục được Lê Lợi, bèn cho bắt các sứ giả của nghĩa quân khi đem vàng đến tặng. Lê Lợi vì thế vô cùng tức giận, quyết không hòa hoãn với quân địch thêm lần não nữa.
2. Nghĩa quân tiến vào Nghệ An
Ngày 20 tháng 9 năm 1424 âm lịch, Lê Lợi cho toàn quân dời đến Nghệ An, chia quân đánh úp thành Đa Căng, tiêu diệt khá nhiều quân Minh tại đây. Sau đó nhà Minh xua quân đến giải cứu nhưng cũng bị đánh cho tan tác. Lê Lợi sai thả về tất cả vợ, con, gia quyến của quân Minh bị bắt, rồi tiến quân vào tận châu Trà Long.
Lê Lợi khi dẫn quân qua núi Bồ Lạp thuộc Châu Quỳ, thì bị 5.000 quân địch bao vây nhằm đánh úp. Lợi dụng trời tối, Lê Lợi sai phục binh nấp trong rừng đón đánh quân địch, tiêu diệt được hơn 2.000 địch, bắt về nhiều ngựa và tài nguyên, trang bị. Ngày hôm sau, nghĩa quân đến Trang Trịnh Sơn, châu Trà Lân, tiếp tục tiêu diệt hơn 1.000 quân địch, Lê Lợi dẫn quân đến sách Mộc, Trần Trí đuổi theo nhưng không dám tiến sâu, lui về để chuẩn bị đánh thành Nghệ An.
Tháng 11 năm 1424 âm lịch, Lê Lợi sai người chiêu dụ Cầm Bành – một viên tướng người Việt nhưng đang phục vụ cho nhà Minh. Cầm Bành không quy hàng, dựng rào lũy đợi cứu viện, nhưng quân Minh mãi không cho quân ứng cứu, vì thế mà hắn đành quy hàng và thuận theo Lê Lợi. Nhờ vậy mà nghĩa quân chiêu mộ thêm được hơn 5.000 quân, tích lũy đủ quân lực để chuẩn bị chiếm thành Nghệ An.
Quân Minh trông thấy tình hình đó liền mang đại quân cùng thủy quân đến để ứng cứu. Lê Lợi khôn khéo giả vờ thua bỏ chạy, nhử quân địch vào sâu trong chỗ mai phục, tiêu diệt được toàn bộ quân tiếp viện. Tàn quân địch bỏ chạy về thành Nghệ An nhằm cố thủ. Đến tháng 5 năm 1425 âm lịch, Lê Lợi mang đại quân công phá được thành Nghệ An, quân Minh bỏ chạy tan tác, vì thế mà ông đã thu về được toàn bộ đất đai từ Thanh Hóa trở vào.
3. Trận Tốt động – Chúc động
Tháng 8 năm 1426, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm 3 cánh để Bắc tiến. Một cánh quân đã phá tan quân Minh kéo xuống từ Vân Nam, trong khi hai cánh quân còn lại tiến đánh Đông Quan. Vua Minh thấy thế liền sai mang quân đến tiếp viện, hợp với tàn quân còn sót lại ở Nghệ An để bảo vệ Đông Quan, số lượng lên tới 10 vạn. Hai bên giằng co lẫn nhau khiến cho nghĩa quân Lam Sơn phải tính kế bày trận ở Tốt động – Chúc động để tiêu diệt hoàn toàn quân thù.
Các tướng của nghĩa quân đã dùng mưu, dẫn dụ quân địch tiến sâu vào Tốt động – Chúc động. Quân Minh hừng hực khí thế đuổi theo nên bị trúng kế, chết mất hơn 5 vạn, bị bắt sống 1 vạn, số còn lại buộc phải bỏ về cố thủ ở Đông Quan. Nhờ đó mà vua Minh phải hòa hoãn với Lê Lợi, giúp nghĩa quân Lam Sơn có thêm thời gian bổ sung khí tài, binh lực để chuẩn bị cho những trận chiến tiếp theo.
4. Nghĩa quân tiến ra miền Bắc
Sau trận đánh ở Tốt động – Chúc động, nghĩa quân Lam Sơn liền tiến ra Bắc, bao vây thành Đông Quan. Lê Lợi được tin liền đem đại quân còn lại và 20 con voi, theo đường thủy tiến gấp ra Bắc để hợp quân, trên đường đi đã phá tan tiền đồn quân Minh đang bảo vệ Đông Quan. Nhờ đó tàn quân Minh buộc phải lùi sâu vào trong thành mà đắp lũy cố thủ.
Quân Minh viện cớ muốn lập con cháu nhà Trần lên làm vua để cầu hòa. Lê Lợi mau chóng đồng ý, tìm một người tên Trần Cảo để lập làm vua bù nhìn, nhưng nhận ra ý đồ thực sự đằng sau của địch đó là chờ thêm tiếp viện nên ông đã mau chóng cắt đứt giảng hòa khi biết tin.
Lê Lợi cho đại quân càn quét tất cả thành trì của địch đang đóng tại Đông Quan, buộc địch phải dâng thành Nghệ An để xin hòa. Lợi dụng quân Lam Sơn lơi lỏng cảnh giác, một đạo quân Minh đột phá vòng vây, đánh úp nghĩa quân khiến một số tướng tài của Lê Lợi thiệt mạng. Nhờ vậy mà quân Minh có thể rút chạy bớt về phía Bắc.
5. Trận Chi Lăng – Xương Giang
Cuối năm 1427, vua Minh điều thêm quân đến tiếp viện cho tướng Vương Thông, mang thêm khoảng 15 vạn quân sang Đại Việt. Trước tình hình đó, Lê Lợi chỉ huy nghĩa quân nhanh chóng đánh hạ thành Xương Giang trong 6 ngày, tập hợp binh lực tại đây để chuẩn bị đối phó với quân địch.
Khi quân Minh tràn xuống từ phía Bắc, bị nghĩa quân Lam Sơn dùng mưu giả thua để dụ quân địch vào bẫy. Quân địch tưởng thật nên đuổi theo tới tận Chi Lăng thì bị phục kích, chết hơn 1 vạn quân. Quân địch hoảng hồn bỏ chạy về Xương Giang nhưng không biết rằng nơi đây đã bị nghĩa quân chiếm lại từ trước. Do đó quân Minh lại rơi vào ổ phục kích lần thứ 2, chết hơn 5 vạn quân, 3 vạn bị bắt sống. Tàn quân còn lại rút chạy bị các tướng lĩnh của Lê Lợi đuổi theo giết thêm được 1 vạn, bắt được hàng ngàn con ngựa cùng vô số khí tài, trang bị.
Ngày 22 tháng 11 năm 1427 âm lịch, Lê Lợi cùng các tướng của mình và các tướng lĩnh của quân Minh lập hội thề ở Đông Quan, cho phép quân địch rút lui hoàn toàn về nước và không quay lại xâm lược nước ta. Đến ngày 12 tháng 12 âm lịch, quân Minh chính thức rút lui hoàn toàn ra khỏi Đại Việt, đất nước hoàn toàn được giải phóng. Lê Lợi cho Nguyễn Trãi soạn Bình ngô đại cáo để công bố toàn thiên hạ.
Lê Thái Tổ lên ngôi vua và cai trị đất nước
Trần Cảo là người mà Lê Lợi đưa ra cho nhà Minh để lập làm An Nam quốc vương của Đại Việt. Tuy nhiên Trần Cảo do biết bản thân không có tài nên bỏ trốn, sau bị bắt lại và bị ép uống thuốc độc mà chết. Đến ngày 15 tháng 4 năm 1428 âm lịch, Lê Lợi từ điện Tranh ở Bồ Đề vào thành Đông Quan, đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt, lấy Đông Kinh làm thủ đô, xưng là Thuận Thiên Thừa Vận Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương, hiệu là Lam Sơn động chủ, sử gọi là Thái Tổ Cao Hoàng đế, dựng lên nhà Hậu Lê.
Lê Thái Tổ khi lên ngôi đã ban hành nhiều chính sách cải cách nhằm giúp đất nước phát triển, người dân được ấm no. Mặt khác ông vẫn giữ thái độ hòa hảo với nhà Minh, hàng năm vẫn cống nạp tiền vàng. Tuy nhiên nhà Minh nhất quyết không chịu công nhận ông là hoàng đế Đại Việt, mà chỉ coi là An Nam quốc vương mà thôi.
Những năm tháng cuối đời của Lê Thái Tổ
Ngày 7 tháng 1 năm 1429 âm lịch, vua Lê Thái Tổ lập con trưởng Lê Tư Tề làm Quận vương, giúp trông coi việc nước, con thứ Nguyên Long làm Hoàng thái tử. Lê Thái Tổ ở ngôi được 5 năm thì qua đời vào ngày 22 tháng 8 năm 1433 âm lịch, hưởng dương 49 tuổi. Ông được an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn, Thanh Hóa và được tôn miếu hiệu là Thái Tổ. Thái tử Lê Nguyên Long 11 tuổi lên nối ngôi, tức hoàng đế Lê Thái Tông.