Tiểu sử Lý Thường Kiệt

Tiểu sử Lý Thường Kiệt – Vị anh hùng dân tộc tiêu biểu có công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước

Lý Thường Kiệt là một trong những vị tướng xuất sắc nhất của Việt Nam. Ông không chỉ hết lòng trung thành với nhà Lý, mà còn dẫn dắt quân đội bảo vệ bờ cõi, năm lần bảy lượt đánh tan các cuộc xâm lược của ngoại bang.

Tiểu sử Lý Thường Kiệt là ai?

Lý Thường Kiệt vốn mang họ Ngô, tên Tuấn, sinh năm 1019. Ông là một vị tướng tài ba, một hoạn quan rất nổi tiếng của nhà Lý, phụng sự 3 triều đại nhà vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Ông đã được vinh danh là 1 trong 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu của Việt Nam nhờ vào những công lao của mình cho sự nghiệp bảo vệ bờ cõi đất nước.

Tiểu sử Lý Thường Kiệt

Ông là con của một viên tướng thời nhà Ngô, tên là Ngô An Ngữ. Ông sinh ra và lớn lên ở Thái Hòa, thuộc kinh thành Thăng Long. Họ gốc của ông vốn không phải họ Lý, về sau này mới được ban tặng nên đổi tên thành Lý Thường Kiệt như chúng ta biết đến ngày nay. Hiện còn có giả thuyết ông mang họ Quách, có cha làm Thái úy dưới triều vua Lý chứ không phải mang họ Ngô như trong sách vở hiện nay đang phổ biến.

Sự nghiệp của Lý Thường Kiệt dưới triều đại nhà Lý

Từ nhỏ, Lý Thường Kiệt đã tỏ rõ bản thân là người khí phách, rất tích cực rèn luyện võ nghệ, chăm chỉ học tập, đèn sách. Sau này khi lớn lên, ông được tiến cử vào trong cung giữ chức Kỵ mã hiệu úy khi chỉ mới 21 tuổi. Đến năm 1041, nhờ vào vẻ ngoài khôi ngô mà vua Lý Thái Tông thu nạp thành hoạn quan, giữ chức Hoàng môn chi hậu chuyên theo hầu bên cạnh nhà vua.

Trong suốt 12 năm theo hầu vua Lý Thái Tông, Lý Thường Kiệt đã thăng quan tiến chức nhanh chóng. Năm 1053, ông được rất nhiều người biết đến, thăng lên đến chức Nội thị sảnh đô tri. Năm 1054, Thái tử Lý Nhật Tôn kế vị, sử sách gọi là vua Lý Thánh Tông. Lý Thường Kiệt được thăng lên chức Bổng hành quân Hiệu úy, một chức quan võ vô cùng cao cấp. Ông thường ngày ở bên cạnh vua, thường can gián, có nhiều công lao, được thăng làm Kiểm hiệu Thái bảo về sau này.

Tháng 2 năm 1069, Lý Thường Kiệt theo vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành. Ông làm tiên phong đi đầu, truy bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Cuối cùng, Chế Củ phải chịu đầu hàng, dâng 3 châu để được tha mạng trở về nước. Vì có công lớn trong cuộc chiến với Chế Củ, ông được vua ban quốc tính và từ đó chính thức được gọi là Lý Thường Kiệt. Ngoài vinh dự này, ông còn được hưởng tước và chức rất đáng kể, được thụ phong làm Phụ quốc Thái phó.

Tiểu sử Lý Thường Kiệt

Năm 1072, vua Lý Thánh Tông qua đời, Thái tử Càn Đức mới 7 tuổi đã lên ngôi, sử gọi là vua Lý Nhân Tông. Thái sư đầu triều là Lý Đạo Thành tôn Hoàng hậu Dương thị làm Hoàng thái hậu, buông rèm pha cùng nghe chính sự. Mẹ đẻ của vua Lý Nhân Tông là Thái phi Ỷ Lan không được dự vào việc triều đình, bèn dựa vào Lý Thường Kiệt để nắm lấy quyền nhiếp chính. Lý Thường Kiệt khi đó bị giáng từ Phụ quốc Thái phó xuống Đô úy, chức vụ ở dưới Lý Đạo Thành.

Tháng 6 năm 1072, vua Lý Nhân Tông đã ra chiếu chỉ phế truất Thượng Dương Thái hậu, giam Thái hậu cùng 72 Thị nữ trong lãnh cung và bắt chôn theo vua Lý Thánh Tông. Lý Đạo Thành bị giáng chức làm Tả Gián nghị đại phu và bị chuyển ra trấn thủ tại Nghệ An. Hoàng thái phi Ỷ Lan được chính thức tôn làm Hoàng thái hậu. Tất cả điều này có được là do có bàn tay của Lý Thường Kiệt, ông đã đứng ra khuyên nhủ nhà vua để loại trừ những kẻ có ý định thao túng đất nước.

Lý Thường Kiệt bảo vệ bờ cõi đất nước

1. Chiến tranh với nhà Tống lần thứ 1

Năm 1075, Vương An Thạch là quan nhiếp chính của nhà Tống, tâu với vua Tống rằng nước Đại Việt hiện đang bị Chiêm Thành đánh phá, quân còn sót lại không đầy vạn người, có thể dùng kế để chiếm lấy được. Vua Tống thuận tình nghe theo, liền sai tướng Thẩm Khởi, và Lưu Di làm tri Quế Châu ngầm âm thầm dấy binh, xui khiến người Man tảo phản, đóng thuyền bè, tập thủy chiến để chuẩn bị đánh Đại Việt, cấm các châu huyện không được phép mua bán với Đại Việt.

Thái hậu Ỷ Lan biết tin, sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem hơn 10 vạn quân đi đánh. Ông chỉ huy 4 vạn thủy quân cùng đàn voi chiến đi theo đường biển từ châu Vĩnh An (Quảng Ninh) đổ bộ lên đánh các châu Khâm, Liêm, trong khi đó Tông Đản chỉ huy 6 vạn bộ binh còn lại vây châu Ung. Ngày 30 tháng 12 năm 1075, quân Đại Việt chiếm được thành Khâm Châu, bắt toàn bộ quan quân nhà Tống mà không phải giao chiến một trận nào. Ba ngày sau, vào ngày 2 tháng 1 năm 1076, Liêm Châu cũng thất thủ nốt, quân Tống đại bại.

Khi được tin hai châu Khâm, Liêm đã mất, nhà Tống vô cùng hoang mang, lo ngại, các tướng ở địa phương cảm thấy bối rối không biết làm gì. Ty Kinh lược ở Quảng Nam tây lộ vội vã xin thêm viện binh đề phòng bị đánh. Vua Tống cách chức Lưu Di và sai Thạch Giám thay coi Quế Châu và làm Kinh lược sứ Quảng Tây.

Lý Thường Kiệt làm chủ hoàn toàn ở tất cả các mặt trận, ông cho đạo quân ở Khâm và Liêm Châu tiến lên phía Bắc. Còn đạo quân hiện đang đổ bộ ở Khâm Châu thì kéo thẳng lên Ung Châu. Còn đạo quân hiện đang đổ bộ ở Liêm Châu thì tiến sang phía đông bắc, chiếm lấy Bạch Châu, để góp phần chặn quân tiếp viện của nhà Tống từ phía đông tới. Hẹn ngày 18 tháng 1 năm 1076, hai đạo quân sẽ cùng tụ họp lại để vây chặt lấy Ung Châu.

Ung Châu do tướng Tô Giám với hơn 2.800 quân cố thủ, buộc phải cầu cứu Đô giám Quảng Tây nhà Tống là Trương Thủ Tiết đem quân đến giải nguy. Tuy nhiên Lý Thường Kiệt đã đón đầu đánh tan tác quân địch ở cửa ải Côn Lôn (nay thuộc thành phố Nam Ninh, khu tự trị Quảng Tây), từ đó chém chết Trương Thủ Tiết tại trận.

Tiểu sử Lý Thường Kiệt

Tô Giám thấy vậy liền tiếp tục cố thủ không hàng, khiến quân Đại Việt đánh suốt 40 ngày đêm không công phá nổi. Sau cùng phải sử dụng kế hỏa công, bắn nhựa thông vào trong thành rồi châm lửa đốt. Thành Ung Châu không có nước dập lửa nên người dân trong thành phải đắp đất để quân Đại Việt trèo vào trong thành. Tô Giám tự thiêu để không bị bắt giữ, còn người dân trong thành nhất quyết không đầu hàng quân Đại Việt nên bị tiêu diệt toàn bộ. Tuy nhiên quân Đại Việt cũng bị tổn thất không dưới 1 vạn quân và nhiều voi chiến.

Lý Thường Kiệt chiếm xong thành Ung Châu, liền lấy đá lấp sông ngăn cứu viện đến giải nguy, rồi đem quân lên phía Bắc để chiếm lấy nốt Tân Châu. Viên quan coi giữ Tân Châu nghe thấy quân Đại Việt kéo gần đến thành liền bỏ thành chạy trốn. Nhờ đó mà mục tiêu hoàn thành, ông cho rút quân về. Những người dân ở các châu bị chiếm đóng được tha trở về Trung Quốc.

2. Chiến tranh với nhà Tống lần thứ 2

Nhà Tống nhận thấy sự quan trọng của Ung Châu trong việc làm bàn đạp để nam tiến, tiêu diệt Đại Việt. Do đó mà nhà Tống tập trung binh lực, điều động thêm lương thảo để quyết chiếm lại Ung Châu. Tháng 3 năm 1076, nhà Tống sai Tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó sứ, đem quân đội hùng mạnh hẹn với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn Đại Việt, thế nhưng quân Chiêm Thành và Chân Lạp sợ mà không dám tiến vào Đại Việt. 

Quân Tống tập hợp binh mã sang Đại Việt lên đến 10 vạn quân, một vạn ngựa và hai mươi vạn dân phu, khí thế vô cùng mạnh mẽ. Tuy nhiên địa hình hiểm trở khiến cho kỵ binh Tống không thể phát huy ưu thế. Các tướng lĩnh thuộc Man động trấn giữ phía Bắc thấy địch ùn ùn kéo đến đã đầu hàng đa số, số ít không chịu khuất phục, tiếp tục vừa đánh du kích vừa chạy, giết được khá nhiều quân Tống. Tuy nhiên quân Tống vẫn hùng mạnh tiếp tục kéo xuống sâu hơn.

Quân Tống tràn xuống, theo đường tắt đi qua dãy núi Đâu Đỉnh, tới phía tây bờ sông Phú Lương. Trong khi đó, một cánh quân Tống tách ra, vòng sang phía đông để đánh bọc hậu ở Giáp Khẩu (Chi Lăng) và thẳng tiến tới sông Cầu. Vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, lập chiến lũy sông Như Nguyệt để chặn quân Tống. Sông Như Nguyệt là một phòng tuyến tự nhiên vô cùng hiểm trở, có thể giúp ngăn chặn tất cả các cuộc tấn công bằng đường bộ từ Lưỡng Quảng kéo vào.

Lý Thường Kiệt đem chủ lực chặn con đường từ trại Vĩnh Bình đến sông Nam Định (sông Cầu) bằng cách đặt những doanh đồn và phục binh ở hai ải Quyết Lý nằm ở phía bắc châu Quang Lang và ải Giáp Khẩu (Chi Lăng) nằm ở phía nam. Để ngăn cản quân Tống qua sông, ông sai quân đắp đê cao như tường thành. Trên thành cho quân đóng tre làm giậu, dày đến mấy tầng. Thành đất lũy tre, nối với dãy núi Tam Đảo, đã đổi thế sông Nam Định và bờ nam ngạn ra một dãy thành hào, che chở cả vùng đồng bằng Giao Chỉ. Thành hào ấy dài gần trăm cây số, rất khó để vượt qua nhưng lại dễ dàng phòng thủ.

Tiểu sử Lý Thường Kiệt

Quân Tống sử dụng kỵ binh mở đường tiến công quyết liệt, có lúc đã chọc thủng được chiến tuyến mà quân Đại Việt bày ra để tràn qua sông Như Nguyệt. Thế nhưng quân Đại Việt đều kịp thời phản kích, đẩy lùi quân Tống ngược trở lại. Lý Thường Kiệt còn dùng chiến tranh tâm lý để khích lệ tinh thần quân ta chiến đấu. Ông sáng tác ra bài thơ Nam Quốc Sơn Hà, dặn quân đội đọc trong đêm khiến quân Tống cảm thấy sợ hãi, khiếp đảm, không đánh đã tan.

Quân Tống tiến không được, thoái lui cũng không xong, hao mòn vì chiến sự và khí hậu thổ nhưỡng của Đại Việt, lại không được thủy quân tiếp viện do đã bị thủy quân Đại Việt đứng đầu bởi Lý Kế Nguyên điều động, chặn đánh ngoài khơi. Quân Đại Việt lại tập kích, doanh trại của Phó tướng Triệu Tiết bị phá, quân địch bị giết đến 7, 8 phần, những kẻ còn lại sợ hãi mà rút chạy về nước.

Lý Thường Kiệt khôn khéo sai sứ sang cầu hòa với nhà Tống để kết thúc chiến tranh. Nhà Tống chấp thuận và rút hết quân về nước, chiến tranh vì thế đã kết thúc êm đẹp.

Năm tháng cuối đời của Lý Thường Kiệt

Sau thắng lợi trước nhà Tống, Lý Thường Kiệt còn mang quân đi đánh Chiêm Thành thêm lần nữa vào năm 1075 nhưng không thu được kết quả khả quan. Sau này ông cầm quân đi đánh Lý Giác ở Diễn Châu vào năm 1103. Đến năm 1104, vua Chiêm Thành là Chế Ma Na đem quân đánh và lấy lại 3 châu trước kia vua Chế Củ đã cắt cho Đại Việt. Lý Thường Kiệt một lần nữa kéo quân đi đánh tan quân Chiêm Thành, Chế Ma Na sợ hãi mà phải nộp lại đất cho Đại Việt.

Khi non sông đất nước đã sạch bóng quân thù, Lý Thường Kiệt phò tá vua nhỏ tuổi, xây dựng đất nước, chăm lo cho đời sống nhân dân. Ông đã cho sửa chữa lại đê điều, xây dựng lại đường sá, sửa chữa đền chùa bị hỏng trong chiến tranh, cải tổ lại bộ máy hành chính từng châu. Đến năm 1082, ông thôi chức Thái úy và được cử về trị nhậm tại trấn Thanh Hóa. Ông làm việc ở đây trong suốt 19 năm trời, đến năm 1101 thì vua Lý Nhân Tông lại mời ông trở lại triều để giữ lại chức Nội thị phán thủ đô áp nha hành điện nội ngoại đô tri sự. Khi này Lý Thường Kiệt đã 82 tuổi.

Tiểu sử Lý Thường Kiệt

Tháng 6 năm 1105, Thái úy Lý Thường Kiệt mất, thọ 86 tuổi. Vua Lý Nhân Tông truy phong ông làm Nhập nội điện đô tri Kiểm hiệu Thái úy bình chương Quân quốc trọng sự, tước Việt quốc quân, cho người em trai là Lý Thường Hiến được kế phong tước Hầu. Hiện đền thờ của ông được xây dựng tại Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh. Trước đó ông được thờ tại một ngôi đền cổ tại Hà Ngọc, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.

 

Viết một bình luận